ThienNhien.Net – Theo một đánh giá mới về rừng nhiệt đới ở Tây Nam Trung Quốc, diện tích che phủ của rừng mưa nhiệt đới ở phía Nam Vân Nam đã giảm 67% trong vòng 30 năm qua, chủ yếu là do việc thành lập các đồn điền cao su.
Nghiên cứu này đã điểm lại thành phần loài của rừng mưa nhiệt đới duy nhất ởTrung Quốc này và nó được công bố ngay trên tờ báo điện tử về khoa học bảo tồn vùng nhiệt đới.
Theo lời Tiến sĩ Hua – tác giả của nghiên cứu, cũng là một nhà khoa học ở Vườn Thực vật nhiệt đới Xishuangbanna, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Côn Minh, thì: “Nghiên cứu đã tổng kết những tiến bộ trong địa sinh học của rừng mưa nhiệt đới độc nhất ở vùng Nam Vân Nam và Tây nam Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh những điểm tương đồng cũng như khác biệt giữa các khu rừng mưa xích đạo điển hình của Đông Nam Á về thành phần và hình thái các loài hoa”.
Tiến sĩ Hua giải thích thêm: “Rừng mưa nhiệt đới ở Nam Vân Nam là một kiểu rừng mưa nhiệt đới châu Á, thường có độ cao so với mặt biển lên đến 1000m và ở vĩ độ khoảng 24-40 độ Bắc thuộc phía rìa bắc của vùng nhiệt đới Đông Nam Á. Tại vĩ độ bắc tương ứng ở những nơi khác trên thế giới, hầu như chỉ có sa mạc hoặc đất khô. Điều này làm xuất hiện rừng mưa nhiệt đới theo mùa độc nhất trên thế giới do sự phân bố địa lý hạn chế của nó”.
Ông Hua cũng nói rằng, kiểu rừng mưa độc đáo này ở Vân Nam là sản phẩm của khí hậu nhiệt đới ẩm ở Nam Vân Nam, hình thành do vận động nhô lên của dãy Himaylaya thời kỳ cuối kỷ Đệ Tam. Những khu rừng ở Nam Vân Nam đã đóng góp hơn 3600 loài thực vật có hạt, chiếm 75% lượng phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á.
Rừng mưa nhiệt đới khác với các kiểu rừng mưa trên đất thấp ở chỗ có các cây rụng lá trong tầng tán, ít loài chồi lớn trên mặt đất và thực vật bì sinh, nhưng rất phong phú các loại dây leo và các cây lá kim. Những khác biệt này là do rừng mưa nhiệt đới bị ảnh hưởng bởi sự khô theo mùa và nền nhiệt độ tương đối thấp so với khu vực cùng vĩ độ và cao độ tương ứng.
Mặc dù có tầm quan trọng sinh học như vậy nhưng độ che phủ của các khu rừng ở Nam Vân Nam vẫn bị giảm từ 10,9% xuống còn 3,6% trong vòng 30 năm qua, do việc chuyển đổi ruộng lúa tự cung tự cấp sang các đồn điền cao su của nhóm người Dai – nhóm dân tộc có mối liên hệ gần với người Thái ở Thái Lan.
Do đó, hạn chế mở rộng thêm đồn điền cao su là cách duy nhất để bảo tồn rừng mưa nhiệt đới ở Nam Vân Nam.