Ðể hạn chế ô nhiễm môi trường, các đơn vị chăn nuôi ở Ðồng Nai đã tận dụng nguồn chất thải để sản xuất nhiều loại sản phẩm mới góp phần nâng hiệu quả chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ðồng Nai là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất nước với gần chục triệu con gà, vịt và gần một triệu con bò, trâu, lợn, trong đó quy mô chăn nuôi công nghiệp đạt hơn 60%, hằng năm thải ra môi trường một lượng chất thải rất lớn.
Hợp tác xã chăn nuôi Xuân Phú (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), đơn vị điển hình về tận dụng chất thải, được xây dựng trên diện tích 2,5 ha với năm dãy chuồng gồm một chuồng nái khô, ba chuồng nái đẻ, một chuồng cách ly, một hồ nuôi cá và một hồ nuôi cá sấu.
Anh Võ Ngọc Anh, Trưởng ban kiểm soát, cho biết, hợp tác xã nuôi thường xuyên 780 con lợn nái, chất thải gồm có chất thải lỏng, chất thải đặc, thức ăn gia súc còn sót lại trong máng ăn… Lượng chất thải đủ nuôi 150 con cá sấu, vài tấn cá, ga đun nấu phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong trại.
Đến cửa xả chất thải, nơi được coi là mất vệ sinh nhất, nhưng không phát hiện được “mùi đặc trưng” của lợn, bởi chất thải đã được xử lý một bước tại nguồn: nước thải lỏng thoát thẳng xuống cống thông qua những lỗ thông trên mặt sàn chuồng, chất thải đặc được thu gom nhằm hạn chế tối đa việc chất thải chảy tràn hoặc bị giẫm đạp trên mặt sàn chuồng, thức ăn còn sót lại trong máng ăn được thu hồi lại, sau đó mới xả nước phun xịt vệ sinh chuồng.
Do được xử lý bước đầu nên nước thải từ các trại đổ về cửa xả rất ít cặn và không nặng mùi. Mặc dù vậy nước thải vẫn tiếp tục được xử lý qua hầm ủ bi-ô-ga ba ngăn, và qua tiếp ba hầm lắng, cuối cùng vào hai hầm nuôi cá sấu và nuôi cá. Trưởng ban Kiểm soát Ngọc Anh khẳng định: Lợi ích lớn nhất là môi trường không bị ô nhiễm. Nếu tính hiệu quả kinh tế tổng cộng cũng đạt gần 200 triệu đồng/năm.
Trên đường đến trang trại Thu Trúc ở ấp Nhơn Hòa (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) từ xa đã nghe tiếng máy phát điện nổ giòn. Chị Huỳnh Thị Lệ Thu, chủ trang trại, cho biết, ga từ hầm ủ bi-ô-ga quá lớn, sử dụng để đun nấu không hết, nên trang trại đầu tư máy phát điện để tận dụng ga vận hành máy. Hiện tại, điện máy phát đủ phục vụ sản xuất và sinh hoạt tại trại, từ xay trộn cám, bơm nước, nấu nước, thắp sáng, úm lợn con… trang trại cũng sẽ có sản phẩm mới là nuôi ba ba bằng chất thải từ lợn.
Trang trại Thu Trúc được xây dựng trên diện tích 1,3 ha, trong đó có 0,7 ha đất dành để trồng cỏ, nuôi thường xuyên 100 lợn nái, 600 lợn thịt, 30 bò sinh sản. Toàn bộ chất thải của trại được xử lý và tận dụng theo quy trình khép kín gồm chất thải đặc của lợn cung cấp cho một đơn vị sản xuất phân vi sinh, nước rửa chuồng vào hầm ủ bi-ô-ga, ga chạy máy phát điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nước thải từ hầm bi-ô-ga dùng để tưới cỏ nuôi bò; chất thải đặc của bò dùng để nuôi trùn quế, chất thải lỏng vào hầm ủ, trùn quế và phân trùn bán cho cơ sở sản xuất phân vi sinh.
Theo chị Lệ Thu, lợi ích kinh tế thu được từ việc tận dụng và xử lý chất thải chăn nuôi không nhỏ chút nào. Chỉ tính riêng năm vừa qua, số tiền thu được từ việc tận dụng chất thải đã lên đến khoảng 180 triệu đồng, chưa kể tiền điện nếu dùng điện lưới quốc gia. Cụ thể thu được từ nuôi trùn quế 90 triệu đồng, nuôi cá sấu 25 triệu đồng, bán phân tươi 65 triệu đồng, thật sự góp phần đáng kể vào việc nâng hiệu quả chăn nuôi. Nhưng lợi ích lớn nhất chính là không gây ô nhiễm môi trường.