Đó là vùng đất kỳ bí với những cung điện, thánh đường hoành tráng nằm ẩn mình trong bóng tối vĩnh cửu từ hàng trăm triệu năm, đó là những cánh rừng nguyên sinh với những bộ sưu tập “Sách đỏ” quí hiếm nhất thế giới. Trở lại Phong Nha – Kẻ Bàng để bàng hoàng với những khám phá mới về một di sản thế giới và lắng nghe tiếng thở dài của “ông chủ” kỳ quan.
14 năm trước, đến Phong Nha – Kẻ Bàng trong một buổi chiều tắt nắng, cảnh quan trông thật hoang vu. Ngày ấy, theo chân đoàn thám hiểm hỗn hợp gồm các nhà khoa học VN (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Hội Hang động Hoàng gia Anh (BCRA) thực hiện chuyến thám hiểm thứ ba khám phá hệ thống hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. Một chuyến đi với những công bố gây sửng sốt đối với thế giới.
Những người tiên phong
Thật ra không phải đợi đến những năm 1990 khi chuyến thám hiểm đầu tiên của BCRA được mở ra, hệ thống hang động Phong Nha mới được đưa ra ánh sáng. Mà từ xa xưa, người Việt đã biết đến động Phong Nha qua hình chạm khắc trên cửu đỉnh của triều Nguyễn trong đại nội Huế. Từ năm 1824, vua Minh Mạng đã sắc phong động Phong Nha là “Diệu ứng chi thần”, và Cadiere – nhà thám hiểm người Pháp – đã từng thốt lên rằng “Đông Dương đệ nhất động”. Từ năm 1924, nhà thám hiểm người Anh Barton sau khi khảo sát Phong Nha đã cho rằng hang Phong Nha có thể sánh ngang với các hang động nổi tiếng trên thế giới như Cuevas del Drach (Tây Ban Nha) hay Padirac (Pháp) về vẻ đẹp kỳ vĩ…
Một buổi chiều năm 1994 ở trụ sở UBND xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), tiến sĩ Howard Limbert, trưởng đoàn BCRA, cho biết: “Sau hai chuyến thám hiểm trước (1990 và 1992), chúng tôi không chỉ xác định động Phong Nha dài đến 7.729m, mà còn phát hiện thêm hàng chục hang động khác như hang Vòm dài đến 13.969m, hang Rục Cà Ròn dài 2.800m…”.
Đặc biệt, trong chuyến thám hiểm này, động Phong Nha đã được các nhà khoa học BCRA đánh giá là hang động nước đẹp nhất thế giới theo bảy tiêu chuẩn quốc tế: hang nước dài nhất; cửa hang cao và đẹp nhất; bãi đá, cát rộng và đẹp nhất; hồ ngầm đẹp nhất; hang khô rộng, đẹp nhất; thạch nhũ tráng lệ nhất; dòng sông ngầm dài nhất.
Vẫn còn nhớ như in sau khi các nhà thám hiểm BCRA công bố chiều dài động Phong Nha, cùng các anh ở khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng chống thuyền vào khảo sát hang, khi đến hơn 3km, cả đội đã phải dừng lại vì bức tường đá cao vút chặn lại. Đó chỉ mới là nửa chặng đường của con sông ngầm trong động, vì các nhà khoa học Anh đã phải dùng các thiết bị chuyên dụng lặn xuống vượt qua bức tường đá này để công bố động Phong Nha dài đến hơn 7km!
Chữ Chăm cổ được khắc bên trong hang Phong Nha. |
Bất tận với kỳ quan
Cứ sau mỗi chuyến thám hiểm của BCRA, những khám phá mới về Phong Nha – Kẻ Bàng lại được công bố với nhiều bất ngờ hơn. Tôi vẫn còn nhớ khi được các nhà khoa học BCRA tặng những bức ảnh mà họ chụp bằng phương tiện hiện đại nhất (đó là lần đầu tiên động Phong Nha được đưa ra ánh sáng với “chân dung” thật của nó sau hàng triệu năm nằm trong bóng tối hag động), tiến sĩ H. Limbert nói: “Đây chỉ mới là một phần rất nhỏ chân dung của Phong Nha mà thôi”.
Tính đến năm 2007, các nhà thám hiểm – khoa học Việt – Anh đã công bố với thế giới một con số hoàn toàn khác xa 18 năm trước (thời điểm chuyến thám hiểm đầu tiên được tiến hành): 300 hang động lớn nhỏ tồn tại trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng với những giá trị hàng đầu thế giới: hệ thống sông ngầm dài nhất; cửa hang cao và rộng nhất; bờ cát rộng và đẹp nhất; thạch nhũ đẹp nhất.
Giáo sư Nguyễn Quang Mỹ (Đại học Quốc gia Hà Nội), người có hơn 40 năm khám phá hang động Việt Nam và thế giới, bảo: “Tôi về hưu trên giấy tờ, nhưng dòng máu của tôi vẫn dành cho những chuyến khám phá hang động Việt Nam, bởi sự khám phá ấy là vô tận”. Thật hiếm có ai say mê hang động như ông, cả tuổi xuân của ông đã dành cho những chuyến du thám “ngủ trói mình” trên những vách núi cheo leo Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La… và những năm tháng sống cô độc để “thắp lửa cho bóng tối hang động” Phong Nha – Kẻ Bàng. Và nay khi ông đã về hưu, niềm vui lớn nhất của ông là tin cậu con trai theo nghiệp của ông, như ông nói vui “cha sắp ra khỏi hang, con lại vào hang”.
Giáo sư Nguyễn Quang Mỹ đã từng tham gia các đoàn thám hiểm quốc tế khảo sát nhiều hang động lớn trên thế giới ở Nga, Mỹ, Canada… Ông nói: “Nếu so sánh mức độ vĩ đại thì Phong Nha – Kẻ Bàng không thể sánh với hang Gió của Mỹ dài đến 530km, hay hang Ease Gill của Anh dài đến 52km, nhưng chính các nhà hang động thế giới tôi gặp họ luôn nói rằng không nơi đâu hang động lại kỳ ảo, huyền bí và rực rỡ như Phong Nga – Kẻ Bàng, đó là niềm tự hào của thiên nhiên Việt nam. Họ càng khám phá, càng bất ngờ. Với Phong Nha – Kẻ Bàng, những chuyến khám phá gần như bất tận”.