Bảo tồn Hành lang Xanh tại miền Trung, Tây Nguyên

Sau gần 4 năm triển khai, dự án Hành lang Xanh đã thiết lập một vành đai bảo vệ toàn bộ khu vực rừng nguyên sinh rộng 134.000ha nằm giữa các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia khu vực miền Trung Việt Nam với khu bảo tồn Xe Sap của Lào.

Dự án, có tổng kinh phí hơn 2 triệu USD, do Quỹ Môi trường Toàn cầu, Quỹ Bảo tồn Động vật Hoang dã (WWF) Chương trình Đông Dương và Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ, cùng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Hành lang Xanh là một trong những khu rừng ẩm thường xanh, vùng thấp cuối cùng còn lại ở Việt Nam, có giá trị đa dạng sinh học cao, hiện đang là nơi cư ngụ của trên 60 nhóm động vật hoang dã quý hiếm, trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như sao la, voọc ngũ sắc, trĩ sao, gà lôi lam màu trắng.

Cố vấn dự án Chiris Dickinson cho biết trong khuôn khổ dự án, các nhà khoa học đã nghiên cứu xác định 891 loài thực vật, thuộc 490 chi của 131 họ thực vật bậc cao có mạch. Trong số này có tới 67 loài đặc hữu địa phương, đặc hữu và gần đặc hữu, và 15 loài có thể là phát hiện khoa học mới.

Dự đoán sau khi kiểm kê đầy đủ, tổng số loài thực vật bậc cao có mạch ở vùng nghiên cứu của dự án Hành lang xanh sẽ lên đến 1.700-2.000 loài.

Về hệ động vật, các nhà nghiên cứu đã xác định được 52 loài thú thuộc 21 họ của 7 bộ, cùng với 91 loài ếch nhái, bò sát và 150 loài chim, trong đó có 7 loài phân bố hẹp, 6 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 4 loài trong sách đỏ của thế giới.

Đặc biệt, dự án đã xác định được 15 loài bò sát lưỡng cư, 6 loài chim và nhiều quần thể linh trưởng quan trọng bị đe dọa tuyệt chủng của thế giới như voọc chà vá chân nâu, vượn đen má trắng.

Mới đây, các nhà nghiên cứu vừa công bố phát hiện 11 loài động thực vật mới thuộc loại độc nhất ở các khu rừng nhiệt đới thuộc dãy Trường Sơn của Việt Nam, gồm 2 loài bướm, 1 loài rắn, 5 loài phong lan và 3 loài thực vật.

Ngoài việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển bền vững tính đa dạng sinh học của khu vực Hành lang Xanh, dự án còn giúp người dân vùng đệm nâng cao đời sống, thông qua việc khoanh nuôi và bảo vệ rừng, chuyên giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người dân lai tạo giống cây và thuốc quý./.