Trong buổi làm việc với Bộ NN&PTNT mới đây (08/03), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh lưu ý: “Đất nước ta “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền” nên đất cho nông nghiệp phải có quy hoạch khoa học. Làm công nghiệp thì tập trung ở trung du, miền núi, vùng đất xấu. Hết sức lưu ý khi lấy đất nông nghiệp 2 lúa”. Thế nhưng, thực tế việc lấy đất làm các khu công nghiệp (KCN) ngày càng diễn ra rầm rộ…
Cách đây không lâu, khi tiếp xúc với người dân xã Lai Vu (Kim Thành, Hải Dương), nhiều người đã ôm mặt khóc và nói rằng, từ giờ đến cuối đời họ không biết làm gì để sống. Số là, phần lớn đất nông nghiệp ở đây đã bị lấy đi làm KCN đóng tầu.
Nhưng, không riêng gì người dân Lai Vu chịu cảnh khóc dở mếu dở. Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong vòng 5 năm từ 2001 -2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã bị thu hồi chuyển sang đất phi nông nghiệp tới trên 366 nghìn ha, chiếm 3,9% đất nông nghiệp đang sử dụng. Bình quân mỗi năm thu trên 73.000 ha.
Theo cách tính toán khá chi li của Cục Hợp tác xã – Phát triển nông thôn (Bộ NN – PTNT), mỗi ha đất thu hồi ảnh hưởng tới 10 lao động nông nghiệp. Như vậy, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm đã làm đời sống của 2,5 triệu người bị lung lay.
Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ bị thu hồi lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, kế đến là vùng Đông Nam bộ với khoảng trên 100.000 hộ. Hai địa phương có số hộ bị thu hồi đất lớn nhất là Hà Nội với 138.291 hộ và TP. HCM là 52.094 hộ.
Bắc Ninh là tỉnh “rải thảm đỏ” tương đối sớm mời các nhà đầu tư. 10 năm sau, tại tỉnh có diện tích nhỏ nhất nước này các KCN mọc lên như nấm. 3.000 ha đất nông nghiệp bị “xén” mất và theo thông kê thì cứ 5 hộ dân có 1 hộ mất đất canh tác. Có những thôn, xóm 90 – 95% diện tích đất nông nghiệp đã “khai tử”.
TS Cao Vĩnh Hải – Viện Nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn (ISPARD) đưa ra con số đáng để ngẫm ngợi. Việt Nam là nước có diện tích trung bình thế giới nhưng xét về mặt bình quân đất nông nghiệp thì đứng thứ…159.
Đau nữa, đất thu hồi phần lớn thuộc diện “bờ xôi ruộng mật”. Xã Tiền Phong ( Mê Linh – Vĩnh Phúc) có 562 ha đất nông nghiệp nhưng đã “hiến” để làm CN tới 257ha. Điều đáng nói, số đất bị lấy đi thuộc diện mầu mỡ. Người dân trồng hoa 1 sào thu tới 20 triệu đồng/ năm, hành tây là 15 triệu đồng và 10 triệu đồng từ mướp đắng. TS Cao Vĩnh Hải tính toán, ở Tiền Phong 1ha có thể thu từ 270 – 500 triệu đồng/ha đất nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay người dân sống rất bấp bênh vì phần nhiều diện tích nông nghiệp “một đi không trở lại”. Ông Hải đặt ra một câu hỏi: “Tại sao không chọn những vùng đất xấu, đất gò đồi để xây dựng khu công nghiệp?”
Điều rất bất công nữa là, có tới hàng triệu nông dân đang lao đao vì mất tư liệu sản xuất thì các KCN sau khi đã GPMB lại rơi vào giai đoạn “ngủ đông”. Tại 4 tỉnh: Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, TS Hải đưa ra kết luận, có tới 50% diện tích đất đã giải phóng thuộc diện “quy hoạch treo”.
Còn nhớ, trong lần phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ TN-MT Mai Ái Trực, sau khi điều tra ở 12 khu CN, KCX với tổng diện tích diện tích trên 2.000 ha thấy tỉ lệ sử dụng đất và lấp đầy KCN chưa đạt 50%, thậm chí có nhiều nơi chỉ đạt dưới 10%; ông Trực phải thốt lên: “Với cách quản lý thiếu trách nhiệm và lãng phí như thế này thì không hiểu 10 năm, 20 năm sau, con cháu chúng ta sẽ sống ra sao”
Chính vì thiếu quy hoạch, xây KCN gần khu vực dân cư nên người dân rất bức xúc. Giữa thị trấn Phú Thái (Kim Thành, Hải Dương) có tới 13 nhà máy, xí nghiệp. Khói bụi làm người dân chịu không nổi, có người phải bỏ nhà ra đi như chị Đỗ Thị Thích.
Hay như ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên), đất nông nghiệp nằm ven KCN Giầy da Ngọc Tề nên trồng rau thì năng suất thấp, lại nhiều sâu bệnh. Người dân phản ánh khi ăn vào thấy…khó tiêu nên chỉ dám bán rau xuống… Hà Nội, còn họ thì chỉ dám ăn rau trồng riêng ở mảnh vườn nhỏ.