Trong khi nông dân nuôi cá tra khát vốn vay như khát nước, doanh nghiệp (DN) chế biến cá cần tiền mua nguyên liệu, còn ngân hàng thông báo đã sẵn tiền cho vay. Nói nghe thì dễ, nhưng kỳ thực, để tiếp cận được nguồn vốn nhà băng không đơn giản chút nào. Như vậy có thể thấy, "bão giá" mà ở đây là "bão lãi suất" đang ảnh hưởng dây chuyền đến hàng loạt khâu trong chuỗi mắt xích "bốn nhà"…
Hiện nay nhiều chi nhánh ngân hàng ở TP. Cần Thơ như Việt Á, Đông Á, Miền Tây, VP Bank…cho biết đã tiến hành cho vay bình thường sau một thời gian “đóng cửa” với không ít khách hàng. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực cho vay mua nhà đất thì nhà băng chưa dám mạnh dạn mở “hầu bao” vì đang chờ qui định mới. Còn lại các đối tượng vay khác ngân hàng sẽ xem xét cho vay, nhất là khách hàng thân quen. Với khách hàng mới rất khó vay bởi lãi suất tăng cao, nhất là mất thời gian chờ phía ngân hàng thẩm định thủ tục.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Chi nhánh ngân hàng Việt Á tại Cần Thơ cho biết, tháng trước Việt Á chỉ tạm ngưng phát vay trong khoảng 5 ngày (từ 25/02 đến 29/02) để thực hiện thanh khoản với Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, Việt Á đã mở cửa giao dịch, thực hiện cho vay bình thường. Riêng đối với nông dân nuôi cá tra, Việt Á có tổng mức dư nợ trên 50 tỉ đồng với hơn 20 khách hàng quen. Hiện các khách hàng quen vẫn tới vay khi có nhu cầu. Nhưng khách hàng mới thì…chưa có. Có lẽ do điều chỉnh mức lãi suất cho vay mới, từ 0,95 -1,1% tháng (thời hạn vay dưới 12 tháng) lên 1,7% tháng nên khách hàng thấy…ngại.
Tuy nhiên đó là phía ngân hàng, còn khi tiếp xúc với nông dân, nhất là những “đại gia” nuôi cá tra. Nhiều người cho rằng khó khăn sẽ kéo dài nếu các ngân hàng không mở rộng cửa cho DN xuất khẩu cá tra vay tiền mua cá nguyên liệu. Ngoài ra giá cá tra sẽ tiếp tục hạ thấp nếu mức chuyển đổi tỉ giá ngoại tệ tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng giá VND.
Một người từng nuôi cá tra qui mô lớn ở TP. Cần Thơ thừa nhận, dù có tiềm lực vốn mạnh cỡ nào cũng sẽ khó cầm cự mãi được khi giá cá bán ra bằng với giá thành sản xuất. Nông dân chủ yếu dựa vào vốn vay càng khó bội phần, cá tới lứa bán gặp DN ghi nợ trả chậm thì lấy đâu trả tiền vay và các khoản chi phí? Còn cá chưa tới lứa, áp lực chi phí thức ăn tăng, lãi suất vay ngân hàng tăng…đẩy nông dân vào tình cảnh điêu đứng.
Trong khi đó, một DN xuất khẩu thủy sản tại Cần Thơ thổ lộ: “Là khách hàng thân quen với ngân hàng, chúng tôi xuất khẩu thu được ngoại tệ dư dả đều để trong tài khoản nhân hàng. Thế nhưng phía ngân hàng cũng chỉ cho chuyển đổi mua 10.000 USD/ngày. Từ đó, DN càng khó có VND để thu mua nguyên liệu, đành ghi nợ với nông dân bán cá. Đó là chưa nói tới chi phí sản xuất, lương thưởng công nhân…biết bao nhiêu áp lực”. Còn một DN khác trong lĩnh vực SXNN, dù là khách hàng thân thiết và có dự án sản xuất kinh doanh tốt đang cần vay 1 tỉ đồng nhưng ngân hàng cũng “hạn chế”, chỉ giải ngân 500 triệu.