Lạng Sơn: Làm sạch vịt bằng nước nhựa thông

“Chẳng có gì bí mật cả đâu. Chảo nước đen là nước nhựa thông đấy”. Nhựa thông nấu nóng có tác dụng kết dính rất đặc biệt. Đúng là công nghệ vặt lông siêu tốc, nhoáng một cái hàng trăm con vịt đã trụi lông xếp hàng đống.

Vịt quay xứ Lạng là món ăn đặc sản ưa thích, mỗi ngày có đến hàng nghìn con béo tròn, vàng rộm tiêu thụ. Tuy nhiên, gần đây người ta đang nghi ngại với món ăn ẩm thực nổi tiếng này bởi công nghệ vặt lông, tẩm ướp thịt “siêu tốc”, đánh bóng thị giác người ăn.

Công nghệ vặt lông “siêu tốc”

Đóng vai người đi học nghề thâm nhập vào một lò chuyên thu gom, làm thịt vịt ở khối 10 thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn). Mỗi ngày lò này vặt lông, làm sạch rồi “vỗ béo” từ khoảng 400-500 con vịt rồi giao cho các chủ vịt quay, vịt nướng ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) và thành phố Lạng Sơn.

Bà T năm nay chạc 50 tuổi sởi lởi dẫn ra đằng sau nhà, giới thiệu: “Đây là những “cửu” vặt lông chuyên nghiệp đã có thâm niên làm việc từ 5-6 năm nay. Mỗi ngày “xuất xưởng” hàng trăm con nhưng chỉ làm trong nửa buổi chiều”.

Một thanh niên tay liên tục bắt vịt lôi ra khỏi lồng, trói lại quẳng vào góc sân. Cô gái ngồi cạnh cầm lấy từng con rồi cầm dao cắt tiết. Tiết vịt đựng trong một chiếc xô lớn. Xong việc lại quẳng xác vịt vào góc kế bên. “Xử tử” chừng 50 con, cả hai người quay sang công đoạn vặt lông.

Giữa sân có một chiếc chảo to ngập một thứ nước đen kịt như nhựa đường bắt đầu sủi bọt, còn ngửi thấy mùi khét rất khó chịu. Anh thanh niên đeo khẩu trang rồi cầm từng con vịt dìm xuống chảo nước đen độ vài giây rồi nhanh tay ném cho cô gái “xử lý”. Thật kinh ngạc khi thấy tay cô gái vuốt nhẹ đến đâu là mớ lông trên thân con vịt tuột khỏi da, chỉ còn ít lông măng.

Họ lại cho vào chiếc chảo và những chiếc lông đó tự nhiên rụng sạch. Bà T giải thích: “Chẳng có gì bí mật cả đâu. Chảo nước đen là nước nhựa thông đấy”. Nhựa thông nấu nóng có tác dụng kết dính rất đặc biệt. Đúng là công nghệ vặt lông siêu tốc, nhoáng một cái hàng trăm con vịt đã trụi lông xếp hàng đống.

Thời tiết giá lạnh, thân con vịt có màu tái ngăm. Anh thanh niên nọ thoắt vào trong nhà mang ra một gói màu trắng đục và giải thích đó là gói hoá chất có xuất xứ từ bên kia biên giới có tác dụng “tẩy” trắng cho vịt. Lại thêm một lần kinh ngạc bởi chỉ vài thìa hoá chất pha với thùng nước lã, vịt cho vào ngâm độ vài phút đã trở nên trắng hồng.

Anh H, người “cửu” vặt lông cho biết, công việc của anh như vậy đã hoàn thành. Mỗi con vịt, anh được trả tiền công 1.000 đồng.

Vịt Trung Quốc biến thành vịt Thất Khê

 
Cẩn thận với thịt vịt quay bắt mắt như thế này.

Nhìn những con vịt bầu béo ngậy bày bán tràn lan ở khắp ngõ chợ ở Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn), Na Sầm, khu Kinh tế cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng) ai cũng nghĩ đó là “vịt ta”.

Ngoài việc thưởng thức món ăn vịt quay lá mác mật nổi tiếng thơm ngon, ròn, ngậy, nhiều người còn mua biếu người thân ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình.

Mỗi ngày có tới hàng nghìn con vịt bày bán với mác vịt nổi tiếng của người dân bản địa “Vịt quay Thất Khê” (một địa danh nổi tiếng vịt quay thuộc huyện Tràng Định- Lạng Sơn).

Anh Nguyễn Văn H, một người chuyên đánh hàng gia cầm từ Trung Quốc về giao cho các chủ hàng tươi sống ở chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn) cho biết, đa phần đám vịt cỏ này được nhập từ bên kia biên giới, qua cửa khẩu Chi Ma.

Vịt cỏ của Trung Quốc to, mập, trung bình mỗi con có 3kg trở nên. Vịt Trung Quốc nhiều nước và nhạt thịt. Để đánh lừa con mắt và vị giác của khách, những người chế biến đã “phết” lên mình con vịt những thứ phẩm màu và nhồi tàu choong vào bụng con vịt đem quay vàng rộm một cách điêu luyện. Anh H cảnh báo: “Ra chợ, nếu thấy những con vịt quay vàng óng ánh sắc màu thì nên cẩn thận, không thì ăn vào sẽ rước hoạ vào thân”.

Tuy người dân lo âu song ngành y tế Lạng Sơn và các cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt vào cuộc. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ công nghệ vặt lông “siêu tốc”, “tráng men” làm trắng thịt vịt đang là tín hiệu S.0.S ở miền biên giới xứ Lạng.