Giá lương thực tăng cao kỷ lục và lạm phát sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2010 sẽ gây ra một “nạn đói mới” trên toàn cầu. Lượng dự trữ gạo thế giới hiện ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua, khiến hy vọng người nghèo sớm nhận được gạo viện trợ giá rẻ là rất mong manh.
Đó là những cảnh báo đáng lo ngại mà bà Josette Sheeran Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) và Tổ chức Lương ông Thế giới (FAO), vừa đưa ra.
Giá lương thực cao, người nghèo thêm khốn khó
Trong cuộc gặp các quan chức châu Âu tại Brusels tuần trước, bà Sheeran cho rằng nền kinh tế thế giới với giá dầu, giá thực phẩm tăng cao, dự trữ lương thực cạn kiệt đang khiến nạn đói có nguy cơ lan rộng. Tình hình này được nhận định sẽ tiếp diễn trong vài năm nữa. Giá lương thực leo thang cũng sẽ làm gia tăng tình trạng bất ổn định xã hội ở một số nước vốn đã rất nhạy cảm với sức ép về lạm phát và dựa chủ yếu vào lương thực nhập khẩu.
Theo mạng tin trực tuyến Asia Times, giá gạo trên thế giới tăng vọt đang tác động mạnh đến người nghèo ở châu Á.
Các nhà phân tích cho rằng, ngoài lý do thời tiết khắc nghiệt làm giảm sản lượng lương thực, còn nhiều nguyên nhân đẩy giá gạo lên cao. Chẳng hạn như giá dầu mỏ leo thang khiến phân bón đắt đỏ, đẩy chi phí trồng trọt lên và làm gia tăng cước phí vận chuyển ngũ cốc. Nhu cầu thực phẩm ngày càng lớn của Trung Quốc và đồng USD yếu cũng là những nhân tố tác động, làm giá lương thực tăng …
FAO cho rằng, việc diện tích đất canh tác hạn hẹp đã hạn chế gia tăng sản lượng gạo nhằm đáp ứng nhu cầu mới ở châu Phi, Mỹ Latinh và Trung Đông. Theo tạp chí Rice Today, trong vòng 10 năm bắt đầu từ 1996, diện tích trồng lúa của Trung Quốc đã giảm 3 triệu ha do “những sức ép về kinh tế”.
Chuyên gia Sushil Pandey, thuộc Viện nghiên cứu gạo quốc tế (IRRI) nói: “Mặc dù diện tích trồng lúa có khả năng sẽ được mở rộng ở một số quốc gia khác, song tổng diện tích trồng lúa gạo ở châu Á sẽ không tăng nhiều so với 136 triệu ha theo tính toán hiện nay. Sản xuất gạo đang phải cạnh tranh với các hoạt động kinh tế khác về đất đai, lao động và nguồn nước. Hoạt động sản xuất nhiên liệu sinh học gia tăng chắc chắn cũng sẽ tạo thêm nhiều sức ép đối với nguồn cung lương thực”.
Lượng gạo dự trữ đang ở mức rất thấp
Theo WFP, mỗi ngày trên thế giới có hơn 25.000 người bị chết, hoặc ốm, vì đói. WFP đã liệt kê danh sách hơn 30 nước được coi là dễ bị tác động nhất của cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Mặc dù rất cố gắng kêu gọi các nước quyên góp, nhưng do thiếu ngân sách, tổ chức này đang phải quyết định hoặc giảm 40% lượng lương thực cung cấp, hoặc giảm 40% số người được tổ chức này cung cấp lương thực.
WFP cho rằng ngoài việc bổ sung nguồn tài chính, một giải pháp nữa cũng cần được đẩy mạnh là tăng sản lượng lương thực bằng cách tăng thêm đất trồng các cây lương thực và giảm đất trồng các loại cây dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Mặc dù nạn đói đang đe doạ, nhưng FAO cho biết, năm 2007 dự trữ gạo thế giới thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của châu Á, vựa lúa lớn nhất của thế giới, đang “tăng lên rất chậm”, với sản lượng của năm 2007 chỉ cao hơn 0,5% so với sản lượng của năm 2006.
Tổ chức FAO dự báo, triển vọng người nghèo trên thế giới có thể sớm nhận được gạo viện trợ giá rẻ là khá ảm đạm. Theo ông Sumiter Broca, phụ trách chính sách ở văn phòng FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong năm nay, vật giá sẽ còn biến động đến cuối năm 2008 và giá gạo (vốn đã tăng 40% trong năm 2007) cũng không phải là ngoại lệ.
Để ngăn chặn nạn đói, IRRI và một số tổ chức quốc tế đang thúc đẩy cuộc “Cách mạng Xanh” mới trên toàn cầu. Ông Pandey, chuyên gia của IRRI nói: “Cần phải có một cuộc Cách mạng Xanh lần thứ hai để đảo ngược xu thế giá gạo gia tăng”.