Tuần qua, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia đã tiếp nhận 20 ca tiêu chảy cấp. Trong đó, 7 người được xác định là dương tính với phẩy khuẩn tả. Tất cả đều từng ăn rau sống.
Một bác sĩ thuộc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết, hai ca tiêu chảy cấp đầu tiên nhập viện ngày 07/03, xét nghiệm bệnh phẩm của họ đều cho kết quả là nhiễm tả. Những ngày sau đó, mỗi ngày viện tiếp nhận thêm 2-5 ca tiêu chảy cấp, trong đó có cả các thai phụ. Đến nay, số bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm dương tính là 7, trong đó có một người từng uống văcxin tả đợt trước Tết Nguyên đán.
Các bệnh nhân trên đều sống ở Hà Nội, chủ yếu là khu vực ven đô, đông nhất vẫn là Thanh Trì, Hoàng Mai. Điều tra dịch tễ cho thấy tất cả đều có ăn rau sống, một số người dùng thịt chó mắm tôm. Trước tình hình đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần luôn cảnh giác với các thức ăn tươi sống, cho dù bệnh dịch đang lưu hành hay đã kết thúc.
Việc bệnh tả quay lại nằm trong dự đoán của Bộ Y tế và các chuyên gia vệ sinh dịch tễ. Ngay khi công bố chấm dứt đợt dịch kéo dài một tháng rưỡi cuối năm 2007, Thứ trưởng Trịnh Quân Huấn đã cảnh báo nhiều khả năng dịch tái xuất vào dịp xuân hè 2008 nếu người dân không cải thiện tập quán ăn uống mất vệ sinh. Chỉ sau đó nửa tháng, tại 6 quận huyện ở Hà Nội đã xuất hiện 17 ca tiêu chảy cấp có triệu chứng giống tả, nhưng cơ quan chức năng không khẳng định có bệnh nhân nào trong số đó nhiễm bệnh này hay không.
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã khiến 2.000 người ở 17 tỉnh miền Bắc nhập viện kể từ 23/10/2007, trong đó gần 300 người dương tính với tả. Để phòng dịch quay trở lại, ngay trước Tết Mậu Tý, Bộ Y tế đã tổ chức hai đợt uống văcxin tả ở Hoàng Mai và Thanh Xuân, nơi có nhiều bệnh nhân nhất, tình trạng vệ sinh môi trường cũng như thực phẩm còn kém. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ của văcxin này chỉ đạt gần 70%, do đó những người đã uống vẫn có thể nhiễm tả.