Quảng Ngãi có gần 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, chính vì vậy chủ trương phát triển chăn nuôi đang góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, để hội nhập và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi còn rất nhiều rào cản cần vượt qua.
Lạc quan đi kèm thách thức
Tính đến cuối năm 2007, đàn trâu – bò của Quảng Ngãi đã lên đến 350.000 con (trong đó có 284.500 con bò), đàn heo gần 400.000 con, gia cầm 2, 5 triệu con. Điều này cho thấy, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh cũng như biến động bất lợi của thị trường, nhưng nhờ chỉ đạo, trợ giúp kịp thời của các ngành, các cấp và tinh thần vượt khó của nông dân, ngành chăn nuôi đã đạt được những kết quả đáng mừng. Đó là tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với thị trường và xuất khẩu. Năm 2007, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.631 tỷ đồng, tăng gần 4% so với năm 2006, trong đó chăn nuôi chiếm 31% tỷ trọng nông nghiệp.
Nếu trước đây, chăn nuôi luôn đi cùng trồng trọt trong một hệ thống nông nghiệp kết hợp, thì ngày nay, ở điều kiện hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 415 trang trại, trong đó trên 30 trang trại gia súc, gia cầm, nhiều hộ trở thành tỷ phú nhờ chăn nuôi.
Điều đáng ghi nhận là, tại các huyện miền núi, bà con dân tộc đã bắt đầu đổi mới tư duy, làm chuồng nuôi heo, dựng cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò, xoá bỏ dần tập quán thả rông. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy, chăn nuôi Quảng Ngãi chưa thật bền vững, còn lúng túng trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mạng lưới thú y cơ sở mỏng, bộc lộ nhiều yếu kém, hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, khâu tuyển chọn giống, áp dụng tiến bộ kỹ thuật triển khai chưa rộng. Việc cải tạo đàn bò chậm, nhất là cải tạo theo hướng Sind hoá mới được 20%, sức cạnh tranh của sản phẩm không cao, chưa hướng tới phát triển bền vững.
Đó là chưa kể ngành chăn nuôi phổ biến ở quy mô nhỏ, dựa trên hộ gia đình là chủ yếu, năng suất thấp, hầu hết là cung cấp cho thị trường nội địa. Tất cả những điều này sẽ là thách thức không nhỏ với ngành chăn nuôi Quảng Ngãi.
Hướng tới sự phát triển bền vững
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải biết lựa chọn lợi thế để phát triển ổn định và tăng trưởng theo hướng bền vững. Theo ý kiến của các chuyên gia, thời gian tới, tỉnh cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, quy hoạch tổng thể và chi tiết cho từng lĩnh vực. Nhà nước phải trợ giúp nhiều hơn như: tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng, định hướng các lợi thế, cải tiến chính sách tín dụng làm tiền đề cho sản xuất lớn. Đặc biệt, chú trọng công tác thú y, nhất là củng cố mạng lưới thú y cơ sở, đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lai tạo giống, thực hiện tốt các chương trình Sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn heo, đưa chất lượng tăng lên từng bước.
Một dự báo dễ thấy là sau hội nhập WTO, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, tỉnh Quảng Ngãi cần tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Phát triển hệ thống giết mổ tập trung và xây dựng nhà máy chế biến, với những dây chuyền thiết bị đồng bộ hiện đại, bảo đảm tính ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Thiết nghĩ, có nhận rõ sự thay đổi cấu trúc chăn nuôi trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi tốt những giải pháp nêu trên, ngành chăn nuôi Quảng Ngãi mới phát triển bền vững.