Tỉnh Trà Vinh nằm cuối nguồn giữa sông Tiền và sông Hậu giáp biển Đông. Vùng đất giáp biển tưởng như nghèo khó ấy lại có thị xã Trà Vinh xinh đẹp với “rừng cây trong phố”, ao Bà Om không khí trong lành được mệnh danh là “Đà Lạt đồng bằng”, bờ biển Ba Động thu hút nhiều du khách…
Ba Động thuộc xã Trường Long Hòa là một trong 3 bãi biển nổi tiếng của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) (2 bãi kia là Mũi Nai – Hà Tiên, Kiên Giang và Tân Thành – Gò Công, Tiền Giang). Bãi Ba Động trải dài qua 3 xã Trường Long Hòa, Vân Thành và Đông Hải huyện Duyên Hải, nằm giữa hai cửa sông lớn ra biển Đông của dòng Cửu Long là Cung Hầu (tiếp giáp tỉnh Bến Tre) và Định An (tiếp giáp tỉnh Sóc Trăng). Thời Pháp thuộc, người Pháp chọn Ba Động là nơi nghỉ mát, tắm biển cuối tuần cho một số quan chức. Tên Nhà Mát có từ đó. Nhiều người cố cựu cho biết là Ba Động là do nơi đây có 1 động cát lớn và 2 động cát nhỏ nằm trên địa bàn Cồn Trứng (Trường Long Hòa).
Trước và sau Tết Nguyên đán và suốt mùa hè đến Ba Động không gì bằng. Những ngọn gió Đông Bắc hào phóng từ biển khơi ào ạt thổi vào mát rượi. Kề bãi biển là động cát trải dài với hàng dương xanh rì. Nằm trong bóng mát và tiếng dương reo bất tận là những căn nhà nghỉ xinh xắn. Với bãi biển nước trong, cát trắng, Ba Động là điểm lý tưởng để du khách tổ chức dã ngoại, đi cà khêu, chơi bóng chuyền bãi biển, thậm chí thuyền ra khơi đánh cá, leo lên cột đáy hàng khơi nếm trải phần nào cuộc sống đầy mạo hiểm của ngư dân…
Chơi thỏa thích, du khách có thể ào xuống biển nô đùa thật là thoải mái, ghé nhà hàng thưởng thức “hải vị”. Những con tôm sắt chấy mỡ giòn rụm, những miếng cá dứa nấu trái giác chua dịu, những con cá khoai nấu ngót tan trên mặt lưỡi… như ngon hơn nhờ chấm nước mắm rươi. Nhấm nháp vị cay nồng của “Xuân Thạnh lão tửu” – loại rượu được pha chế theo công thức của người Khmer, tráng miệng là những miếng dưa hấu ngọt lừ có “cát” nhờ trồng bằng phân tôm – quả sung sướng!
Nhưng Ba Động đâu chỉ có biển. Nơi đây còn có tour khám phá rừng đước Long Khánh do Ban quản lý khu du lịch biển Ba Động tổ chức. Cách Ba Động khoảng 7km là cánh rừng rộng 688ha, từ xã Long Khánh trải dài đến bờ biển Đông. Đây là khu rừng khá đặc trưng của rừng ngập mặn ven biển nhiệt đới, gồm các loại cây trầm thủy nước mặn: dà, vẹt, mắm, giá… đặc biệt là những cụm chà là gai.
Rừng chà là gai còn là nguồn khai thác đuông, một món ngon độc đáo được tôn xưng là “đệ nhất đặc sản miền Tây Nam bộ”. Đọt chà là là nơi trú ngụ của “ấu trùng của kiến dương, lớn cỡ ngón tay út, béo nhũn nhà nhũn nhịn như con sâu đo, đầu bằng đít, đít bằng đầu. Sắc nó trắng màu ngà, không có chân, nhưng ở đầu và đít có mầy đen, và chân nó thì có ngấn kiểu ở ngoài Bắc ta vẫn kêu “béo mầm”. Chúng ăn củ hủ chà là lớn lên thành đuông. Chặt củ hủ, bắt đuông làm thành món, thưởng thức “cả một sự diễn tiến của mấy kiếp sống vào lòng, ăn đuông là ăn cả hương hoa của đất thơm, là ăn cỏ cây, mây nước, là ăn mấy chục năm buồn vui, tươi đẹp và thơ mộng”.
Vào rừng, khách có thể câu cá hoặc câu tôm, nếu “tệ” hơn thì dùng vợt bắt cua. Nhưng thú vị nhất là mò bắt vọp hay bì bõm lội qua những chang đước bắt chù ụ – đặc sản rừng đước Long Khánh… Cá, tôm, cua, vọp nướng lửa nhánh đước khô, chấm muối tiêu chanh ớt. Tôm sú, tép bạc đất, vọp tái chanh, chấm mù tạt xanh cay nồng. Nhưng ngon nhất, độc đáo nhất và lạ nhất có lẽ là chù ụ. Chù ụ hấp bia, rang me, hoặc nướng chấm muối tiêu chanh ớt mới ngon và đậm chất hoang dã Nam bộ. Nhưng “đã” nhất là mùa chù ụ “cốm” vào khoảng tháng 2 tháng 3 âm lịch. Những con chù ụ đang lột vỏ này sẽ cho bạn cảm nhận được sự mềm mại của lớp vỏ non và những miếng thịt béo ngậy đến tê răng.