Vào quán bia, nhà hàng, lau mặt bằng những chiếc khăn mát lạnh thoảng mùi thơm thực sự dễ chịu. Nhưng thực khách đâu biết rằng để làm ra những chiếc khăn thơm phức ấy là cả một quy trình siêu bẩn.
Khăn tẩm… phoóc môn!
Không khỏi ngỡ ngàng khi người phục vụ ở một nhà hàng ven sông Hồng đòi lại chiếc khăn lạnh đã qua sử dụng khi thực khách cầm trên tay, ra về. Chiếc khăn này ngay sau đó được dùng vào việc lau bàn, ghế. Sau khi đã sử dụng hết khả năng phục vụ có thể của nó, chiếc khăn được nhân viên nhà hàng bỏ vào một sọt rác cùng với hàng đống khăn cáu bẩn khác một cách cẩn thận. Theo người nhân viên này, những chiếc khăn này sẽ được tái chế để sử dụng lần sau.
Ngày 24/02, trong vai người đi mua khăn lạnh để phục vụ nhà hàng, tìm gặp anh Thái ở phố Hàng Chiếu (Hà Nội) – một “thợ luộc khăn” có trên 3 năm làm nghề. Anh cho hay, để có những chiếc khăn sạch, anh đã tìm mua hàng lỗi của các nhà máy dệt ở Nam Định, Thái Bình, Hà Đông hoặc một số làng nghề dệt thủ công. Sau đó, chúng được mang về tẩm ướp rồi đóng gói, bán cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.
Để có được quy trình “luộc khăn” ấy, anh Thái đã phải học hỏi rất nhiều từ các đàn anh đi trước. “Thậm chí, để khăn có thời gian bảo quản lâu mà không bị thối, một số người còn ngâm chúng vào phoóc môn với nồng độ thích hợp” – anh Thái cho hay. Cũng theo anh, một chiếc khăn quay vòng như vậy, giá thành chỉ khoảng 300-400đ/khăn. Sau đó, tùy từng nhà hàng sẽ bán cho khách với giá 1.000 – 2.000đ/khăn.
Công nghệ “siêu bẩn”
Hiện tại, anh Thái đã từ bỏ nghề sản xuất khăn lạnh phục vụ các quán bia, nhà hàng nên anh sẵn sàng “bật mí” toàn bộ công nghệ sản xuất, quay vòng để có những chiếc khăn lạnh thơm tho nhưng chứa đựng hàng vạn nguy cơ cho “thượng đế”.
Khi thắc mắc hiện nay có rất nhiều quán bia, khách sạn sử dụng khăn lạnh với bao bì in sẵn: “chỉ sử dụng một lần”, anh Thái cho biết: “Mỗi chiếc khăn lạnh loại dày nếu lấy ở phố Lãn Ông có giá khoảng 1.500đ, các nhà hàng thường chỉ tính khách hàng 1.000đ. Chỉ riêng khoản chênh lệch này nếu nhà hàng không có “mánh” câu kết với nhà sản xuất thì rất khó hòa vốn. Và con đường tất yếu là khăn lạnh phải quay vòng để hạ giá thành”.
Với một người từng 3 năm kinh nghiệm làm khăn lạnh tái chế, anh Thái kể tỉ mỉ từng công đoạn: “Những chiếc khăn sau khi được thực khách sử dụng, nhân viên nhà hàng còn để lau nồi xoong, bàn ghế, thậm chí cả sàn nhà… bê bết bẩn và dầu mỡ. Sau đó, chúng được tập trung lại một đống để đến cuối ngày lại “trả về nơi sản xuất” và tiếp tục tái chế. Khi mang về, anh đem chúng phân ra 2 đống “sạch” và “bẩn”. Đây là công đoạn đầu tiên trong quy trình “hồi sinh khăn lạnh sử dụng một lần”. Với đống khăn bẩn, tôi ngâm chúng vào nước tẩy javel để tẩy trắng. Sau công đoạn tẩy javel là giặt bằng… nước rửa chén, rửa bát và đánh sạch bằng tay. Nếu khăn vẫn ố vàng, tôi tiếp tục cho axit có tác dụng tẩy trắng để ngâm tiếp khoảng 20 phút nữa. Khi ấy, những chiếc khăn đã sạch đến 80%, lúc này đem giặt bằng xà phòng bình thường”.
Để tạo mùi thơm, anh Thái ra phố Hàng Buồm, Hàng Bồ… mua các loại hương liệu như: hương chanh, bưởi, táo, comfor… Chỉ với 40 nghìn đồng hương liệu và cồn công nghiệp, anh Thái có thể pha chế và tẩm ướp mùi thơm cho khoảng 1.000 chiếc khăn lạnh. Bình quân, mỗi ngày anh pha chế khoảng 4 thùng hương liệu khác nhau để tạo mùi thơm cho khăn tái chế. Sau công đoạn “tẩm ướp hương liệu” những chiếc khăn được vớt ra và đóng vào túi một cách hoàn toàn thủ công, không hề qua một công đoạn xử lý tiệt khuẩn nào.
Để tạo hơi căng cho những chiếc khăn lạnh mỗi khi thực khách bóc ra nổ bôm bốp, ít ai biết rằng công đoạn đóng gói này đều được người thợ đóng gói thổi hơi trực tiếp từ miệng vào túi đựng khăn! Qua khảo sát, hầu hết các loại khăn lạnh sử dụng ở các quán bia, nhà hàng đều không có nhãn hiệu đăng ký sản xuất trên bao bì cũng như đăng ký chất lượng y tế.
Theo số điện thoại của một cơ sở sản xuất in trên mặt sau của vỏ khăn lạnh, tìm tới một xưởng sản xuất khăn lạnh sử dụng một lần trong ngõ nhỏ tại Thụy Khuê (Ba Đình, Hà Nội). Khuôn viên của xưởng sản xuất nằm tại gian bếp của gia đình. 3 chiếc thùng nhựa không được che đậy cẩn thận, bên trong là các hương liệu đã được pha chế gồm: hương nhài, táo và comfor. Chị Hồ Thị Liên, quê ở Hoài Đức (Hà Tây), làm thuê tại cơ sở này cho hay, giá của những chiếc khăn ở đây từ 400-800đ đã bao gồm cả việc in tên nhà hàng trên mặt trước.
Theo quan sát, toàn bộ quá trình sản xuất khăn lạnh đều được làm thủ công. Những bàn tay trần, không có trang phục bảo hộ lao động thoăn thoắt thò vào các thùng chứa hóa chất ngâm khăn và lần lượt vắt từng chiếc rồi cho vào bao, thổi hơi bằng miệng rồi đóng gói. Những chiếc khăn thành phẩm vứt bừa bãi trên nền gạch lát hoa cáu bẩn.
Thực sự hết sức kinh hoàng bởi không rõ những căn bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp liệu có tồn tại trong những chiếc khăn rồi lây truyền ra cho thực khách?