Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (GEFSGP) tài trợ cho dự án Nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho địa phương trong việc thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện Công ước Khung của Liên hợp quốc và Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu. Ðến nay, dự án đã kết thúc với việc hình thành ba mô hình thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BÐKH).
Thông qua bảy đợt điều tra, khảo sát của dự án ở ba địa phương (Lào Cai, Ninh Thuận và Bến Tre) các nhà khoa học đã thu thập được nhiều số liệu, tài liệu về đặc điểm địa lý, tự nhiên, dân cư, xã hội, tình hình phát triển kinh tế – xã hội thời gian qua và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm năm tới của các địa phương, cũng như những giải pháp mà địa phương đã thực hiện để hạn chế hậu quả xấu của BÐKH.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: tác động của BÐKH ở mỗi địa phương gây ra hậu quả khác nhau. Ở Lào Cai: do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất được coi là tác động tiêu tiểu của BÐKH ở các vùng trong tỉnh. Ngoài ra, có sự biến đổi hệ sinh thái trên vùng núi cao Hoàng Liên Sơn, một số cây trồng có nguồn gốc nhiệt đới đã có mặt ở những độ cao hơn trước đây.
Ðối với Ninh Thuận, xu thế hạn hán và hoang mạc hóa gia tăng ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi có lượng mưa thấp nhất nước, gây ra thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt. Bão và lũ lụt, xói lở bờ sông, bờ biển, nước biển dâng, xâm nhập mặn, trượt lở đất và cháy rừng cũng là nhiều thiên tai có tác động của BÐKH gây ra.
Còn với Bến Tre, tác động nổi bật của BÐKH là xâm nhập mặn, xói lở bờ biển do nước biển dâng với nguy cơ tiềm tàng là ngập chìm một số vùng đất thấp ven biển, ảnh hưởng các hệ sinh thái biển và ven biển, nhất là rừng ngập mặn. Bão và áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy và thoái hóa đất cũng gây ra những tác hại đáng kể…
Dự án đã phối hợp ba tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận, Bến Tre mở 18 lớp tập huấn cho 548 người, gồm cán bộ quản lý (văn phòng tỉnh ủy, văn phòng UBND huyện, xã, thôn), lớp dành cho cán bộ tuyên truyền (đoàn thể quần chúng, đội ngũ giáo viên); 15 hội nghị tham khảo ý kiến địa phương, sáu hội nghị giao lưu, nói chuyện về BÐKH.
Ðại biểu tham dự các hội nghị nói trên đã đóng góp nhiều ý kiến về những vấn đề liên quan tác động của BÐKH và các giải pháp thực hiện ở địa phương, về khung kế hoạch hành động, nhất là góp ý kiến về những định hướng ưu tiên trong việc thích ứng BÐKH, có khả năng lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và các dự án thích ứng về BÐKH.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng: Các địa điểm được lựa chọn thực hiện dự án tiêu biểu cho cả nước là phù hợp tiêu chí của dự án và điều kiện cụ thể của địa phương. Lào Cai chọn xã Trung Chải, huyện Sa Pa, Ninh Thuận chọn xã Phước Nam, huyện Ninh Phước, Bến Tre chọn xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Biểu hiện cụ thể nhất của sự tăng cường năng lực cho địa phương trong việc xử lý các vấn đề BÐKH là việc hoàn thành khung kế hoạch hành động thích ứng BÐKH do ban chỉ đạo và tổ công tác biên soạn của mỗi tỉnh xây dựng và được UBND các tỉnh phê duyệt.
Việc hoàn thành xây dựng khung kế hoạch hành động thích ứng BÐKH của tỉnh tham gia trong bối cảnh tình hình BÐKH ở trên thế giới và trong nước ngày càng rõ rệt và mạnh mẽ, những thiên tai hiện hữu đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gay gắt, dị thường hơn, không chỉ chứng tỏ nhận thức và năng lực được nâng lên, mà còn thể hiện sự chủ động, tích cực trong hành động ứng phó BÐKH của các tỉnh tham gia dự án.
Các khung kế hoạch hành động thích ứng BÐKH của các tỉnh giai đoạn 2007-2010 và đến năm 2020, đã phản ánh đúng tình hình, đặc điểm về tự nhiên, đặc điểm về khí hậu và BÐKH, những tác động và khả năng tổn hại do BÐKH gây ra ở địa phương, tình hình phát triển kinh tế – xã hội và định hướng phát triển trong tương lai, những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên trong việc thích ứng, giảm nhẹ tác động BÐKH và những giải pháp thích ứng, khả năng lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần bảo đảm phát triển bền vững.
Các tỉnh cũng đề xuất các ý tưởng dự án thích ứng BÐKH dựa vào cộng đồng để GEFSGP xét duyệt để tham gia chương trình thích ứng dựa vào cộng đồng, thực hiện trong hai năm (2008-2009). Trong khi chưa có kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BÐKH, cũng chưa có hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động thích ứng và giảm nhẹ BÐKH cho các ngành và địa phương, việc ba tỉnh Lào Cai, Ninh Thuận và Bến Tre hoàn thành xây dựng khung kế hoạch hành động thích ứng với BÐKH trong khuôn khổ dự án VN/05/009, có thể coi là ba mô hình đầu tiên ở Việt Nam về thích ứng BÐKH, liên quan các điều khoản quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển được quy định trong Công ước khung của Liên hợp quốc về BÐKH và Nghị định thư Kyoto thuộc Công ước mà Việt Nam là một thành viên.
Như vậy, khung kế hoạch hành động thích ứng BÐKH được thiết lập và ban hành bởi các tỉnh tham gia dự án là một trong những kết quả quan trọng nhất, góp phần vào việc thực hiện Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto theo Chỉ thị số 35 ngày 17/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo khuyến nghị cho Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ ( GEF SGP) về những định hướng chiến lược trong việc thực hiện chương trình thích ứng với BÐKH dựa vào cộng đồng ở Việt Nam được xây dựng trên cơ sở kết quả thực hiện các hoạt động của dự án VN/05/009, những đặc điểm cụ thể về điều kiện tự nhiên, về BÐKH, xu thế và khả năng tác động của chúng, tình hình và định hướng phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo khuyến nghị đã đề xuất ba định hướng chiến lược ưu tiên.
Thứ nhất, thích ứng với mục tiêu biển dâng do BÐKH ở dải ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng – Thái Bình, hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, mật độ dân cư cao và tập trung, địa hình bằng phẳng và thấp (80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng có độ cao dưới 2,5m so với mặt nước biển), đó là giải pháp “sống chung” với lũ đã được người dân địa phương lựa chọn và trải nghiệm qua nhiều năm cần được tiếp tục phát triển, nâng cao và hoàn thiện theo hướng thích ứng tác động của mực nước biển dâng trong tương lai.
Thứ hai, thích ứng xu thế hạn hán gia tăng và hoang mạc hóa ở dải ven biển Nam Trung Bộ là định hướng ưu tiên nhằm giảm tính dễ bị tổn hại, phòng ngừa và hạn chế thoái hóa đất và hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt và xói lở bờ biển do tác động của BÐKH đối với vùng có khí hậu khô hạn và bán khô hạn, hệ sinh thái đặc thù của cả nước đang bị suy thoái nghiêm trọng.
Thứ ba, thích ứng sự nóng lên toàn cầu, bảo vệ tính đa dạng sinh học, ngăn ngừa và hạn chế tác động của các hiện tượng khí hậu cực đoan do BÐKH ở vùng núi cao Bắc Trung Bộ, Tây Bắc, bao gồm cả vùng núi cao Hoàng Liên Sơn (tiêu biểu là tỉnh Lào Cai). Ðây là vùng có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên của cả nước, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Nóng lên toàn cầu sẽ làm giảm tính đa dạng sinh học không chỉ đối với các loài động thực vật nhiệt đới tồn tại ở giới hạn trên của điều kiện nhiệt độ thích nghi, mà đặc biệt, còn đối với các loài động vật á nhiệt đới và ôn đới đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vùng này còn thường xuyên chịu tác động của những hiện tượng khí hậu, như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, khô nóng và hạn hán.
Một sản phẩm quan trọng nữa của dự án là cuốn tài liệu Biến đổi khí hậu, gồm nhiều nội dung về biến đổi khí hậu toàn cầu ở Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu và các giải pháp chiến lược ứng phó, hướng dẫn xây dựng khung kế hoạch hành động và các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Trung tâm Khoa học Công nghệ Khí tượng Thủy văn và Môi trường nghiệm thu, chuẩn bị xuất bản và phát hành trong cả nước, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau.