Cụm chùa tại núi Tà Cú (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Quốc gia Tà Cú, được khai sơn, tạo lập hàng trăm năm trước, tên chùa được chính tay vua Tự Đức sắc phong. Người dân Bình Thuận từ lâu đã luôn tự hào là nơi có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn có chiều dài nhất Đông Nam Á . Vậy mà mới đây, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Bình Thuận lại ra công văn trái thẩm quyền cho phép tàn phá núi đá tại vùng đất linh thiêng này.
Sở Văn hóa – Thông tin cố ý làm trái!?
Chùa núi Tà Cú còn nằm trong khu vực Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia ven biển. Khu bảo tồn khá phong phú về hệ động, thực vật và tài nguyên, mà đáng chú ý nhất là đá.
Sự việc bắt đầu cuối năm 2007, theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Ngọc Hương là trụ trì chùa Linh Sơn Trường Thọ xin khai thác đá để làm tượng Phật và bàn thờ, ngày 21/1/2008 ông Nguyễn Tiến Thanh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh đã ký Công văn số 84/ SVHTT- BT cấp phép cho bà Hương khai thác bốn tảng đá có hàng ngàn năm tuổi trên núi Tà Cú.
Cụm thứ nhất gồm 3 tảng đá có cùng chiều dài hơn 3m, cao gần 2m (ở vị trí cách chùa về phía Đông Bắc khoảng 40 m và cách khu Tam Thế Phật khoảng 30 m về phía Đông), có cao độ 435 m so với mực nước biển trung bình.
Đáng chú ý là cụm thứ hai có một tảng (ở vị trí cách chân tượng Phật nhập Niết bàn khoảng 45 m về phía Đông Nam) có cao độ 457 m so với mực nước biển trung bình. Tảng đá này có kích thước: dài 5,3 m x rộng 1,8 m x cao 2,3 m. Cả bốn tảng đá này đều lộ thiên và nằm chồng lên nhiều tảng đá khác có kích cỡ khác nhau. Có thể nói, những tảng đá này đã góp phần tạo nên nét hùng vĩ và nên thơ của chùa núi Tà Cú.
Ngay sau khi nhận được công văn trái thẩm quyền này, những người xin khai thác lấy sơn đỏ đánh dấu những cụm đá và chỉ chờ qua Tết Mậu Tý, khi hết đợt du khách hành hương lên chùa sẽ tiến hành “xẻ thịt”.
Được biết, năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã xác lập Tà Cú là Khu bảo tồn thiên nhiên của Quốc gia cần phải bảo vệ nghiêm ngặt và cấm tác động tài nguyên bằng mọi hình thức. Trước đó, năm 1993, Bộ Văn hóa – Thông tin cũng đã công nhận và cấp bằng Khu di tích lịch sử-văn hóa cho cụm chùa trên núi Tà Cú.
Trong quyết định công nhận danh thắng chùa núi Tà Cú, Bộ Văn hóa – Thông tin đã quy định rất rõ rằng: ” Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng khai thác trong những khu vực bảo vệ của di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin”. Quy định đã quá rõ thế nhưng không hiểu vì sao Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Bình Thuận lại tùy tiện ra công văn cho phép khai thác tài nguyên trái thẩm quyền và không phải chức trách mà mình có trách nhiệm quản lý?
Theo quy định của pháp luật, từ hệ sinh thái động thực vật cho đến những tảng đá trong Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia nói chung đều nghiêm cấm khai thác. Trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Việc làm vượt thẩm quyền của Sở Văn hóa- Thông tin khiến xôn xao dư luận. Đại đức Thích Minh Thiện bức xúc: “ Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương được Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh cho phép khai thác những tảng đá trong khu vực di tích cấp quốc gia. Vậy Tổ đình Long Đoàn và nhân dân trong vùng có thể tận dụng khai thác được chăng?”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Giác- Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh cho biết: “Sở Văn hóa- Thông tin đã làm cái việc không đúng chức năng của mình!”. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề nghị Sở Văn hóa- Thông tin thu hồi Công văn số 84/ SVHTT- BT về việc tận dụng đá để tạc tượng Phật và bàn thờ. Nếu không, những tảng đá này không chừng bị “xẻ thịt” trong nay mai!
Sẽ phá nát cảnh quan môi trường
Bốn tảng lớn nằm ở độ cao 457m so với mực nước biển, được hình thành từ hàng triệu năm qua đã được bào mòn tròn trịa, nhẵn thín trông rất đẹp mắt. Chúng nằm chồng lên nhiều tảng đá khác tạo thành một bãi đá đan xen với rừng cây cổ thụ. Chính nhờ cảnh quan này mà năm 1959 điêu khắc sư Trương Đình Ý đã rời trường Mỹ thuật Gia Định (Sài Gòn), ẩn cư trên núi, để tạc bức tượng Thích Ca nhập niết bàn nhìn xuống, giống như cảnh Song Lâm Thị Tịch dựa theo lịch sử Phật giáo.
Những tảng đá này không còn, cũng có nghĩa không gian kiến trúc độc đáo ở đây bị phá nát và ảnh hưởng lớn đến cảnh quan chung của danh thắng Tà Cú. Ngoài gây tác hại về cảnh quan môi trường, việc phá đá còn làm vỡ kết cấu của bãi đá đã bền vững nhiều năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn vốn đã xuống cấp trầm trọng. Hơn nữa, vào mùa mưa bãi đá bị phá sẽ bị xói lở và với độ nghiêng lớn, chắc chắn ngôi chùa Long Đoàn ở phía dưới sẽ gánh chịu toàn bộ hậu quả. Ý thức được hậu quả này, nên nhà sư Thích Minh Thiện, trụ trì chùa Long Đoàn đã phải cấp tốc làm đơn kêu cứu nhiều nơi yêu cầu chính quyền địa phương ngăn chặn nếu không sẽ quá muộn.
Hòa thượng Thích Chơn Thành, Quyền Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận, Đại biểu HĐND tỉnh cho biết, Ban Trị sự đã có kiến nghị tới UBND tỉnh Bình Thuận về việc này. Theo Hòa thượng Thích Chơn Thành, mặc dù bà Nguyễn Thị Ngọc Hương là trụ trì chùa Linh Sơn Trường Thọ nhưng không sinh hoạt và không có tên trong Giáo hội. Vì vậy, bà Hương xin khai thác đá đã không thông qua Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận.
Vào năm 1993, bà Hương đã tự ý cho đập phá toàn bộ ngôi chùa cổ Linh Sơn Trường Thọ gây phản ứng rộng rãi trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận. Sau đó, căn cứ Pháp lệnh bảo vệ di tích, thắng cảnh, chính quyền địa phương đã buộc bà Hương phải bồi thường xây lại. Lần đó, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Bình Thuận cũng đã bị UBND tỉnh Bình Thuận phê bình, kiểm điểm vì thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên đến cuối năm 2007, không hiểu có sự “bật đèn xanh” nào mà toàn bộ ngôi chùa cũ lại tiếp tục bị đập phá và xây mới!?
Được biết, Bằng công nhận di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia chùa núi Tà Cú 15 năm qua vẫn chưa được trao và đang nằm mốc meo tại Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hàm Thuận Nam do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận không đồng ý vì bà Hương là trụ trì nhưng không đăng ký tăng ni tự viện, không có tên trong Giáo hội.