Hơn mười năm gần đây, thuỷ sản được tỉnh Sóc Trăng xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài việc khuyến khích đầu tư nâng công suất các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, công tác nuôi trồng và chế biến thuỷ – hải sản xuất khẩu được các cấp chính quyền và doanh nghiệp quan tâm. Nhờ đó, ngành thuỷ sản ngày càng phát triển.
Khi mới tái lập (04/1992), kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Sóc Trăng chỉ đạt 25, 3 triệu USD/năm. Xuất phát điểm chỉ có 2 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu với công suất khiêm tốn, thiết bị máy móc lạc hậu thì sau 15 năm, kim ngạch thuỷ sản của Sóc Trăng đã đạt 373, 8 triệu USD với 6 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu có dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhiều nhà máy chế biến thuỷ sản được chứng nhận HACCP và CODE của châu Âu. Xuất khẩu thuỷ sản không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà còn phát huy được tiềm năng của địa phương.
Hiện, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Sóc Trăng đứng thứ 2 cả nước (sau Cà Mau). Năm 2007, toàn tỉnh có 65.000ha nuôi thuỷ sản với 49.000ha nuôi tôm sú, tổng sản lượng thuỷ – hải sản khai thác và nuôi trồng là 105.000 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ. Sản phẩm hàng thuỷ sản của Sóc Trăng đã có mặt trên thị trường 160 nước (chủ yếu là Nhật Bản, Mỹ và các nước EU).
Mục tiêu đến năm 2010, Sóc Trăng phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 750 triệu USD, trong đó xuất khẩu thuỷ sản là 680 triệu USD. Hiện, tỉnh đang tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cải tạo môi trường các vùng nuôi, nâng diện tích nuôi tôm sú công nghiệp và bán công nghiệp lên 30.000ha. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng trên cả 3 vùng nước: ngọt, lợ, mặn; xây dựng vùng nuôi an toàn theo tiêu chuẩn GAP, hướng đến thâm canh, đa canh để đa dạng hoá sản phẩm; triển khai thực hiện 3 chương trình lớn là nuôi và khai thác thuỷ hải sản, chế biến xuất khẩu thuỷ sản và dịch vụ nghề cá.
Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng đầu tư vốn, công tác nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo, tổ chức quản lý, đặc biệt là công tác khuyến ngư, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản…; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nuôi trồng và khai thác, đánh bắt thuỷ sản xa bờ, đầu tư dây chuyền công nghệ cao để tạo ra sản phẩm tinh chế giá trị cao; đưa Cảng cá Trần Đề vào khai thác phụ vụ nghề biển… Với chiến lược và bước đi cụ thể đó, nhất định Sóc Trăng sẽ hoàn thành “tham vọng lớn” đã đề ra.