ThienNhien.Net – Theo tuyên bố của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), từ năm 1980, thế giới đã mất đi khoảng 3,6 triệu ha rừng ngập mặn, tương đương với 20% tổng diện tích rừng ngập mặn bị tàn phá. Một con số đáng báo động.
Việc mất rừng ngập mặn đã gây ra những thiệt hại đáng kể về mặt môi trường cũng như kinh tế ở nhiều quốc gia. Điều này rất cần được quan tâm, chú ý. Trước thực trạng đó, FAO đã kêu gọi nhiều chương trình bảo vệ, quản lý rừng ngập mặn từ các cơ quan chính phủ và tổ chức môi trường.
Nghiên cứu đánh giá về rừng ngập mặn mới đây của FAO, với tiêu đề là “Rừng ngập mặn thế giới 1980-2005”, đã cho biết tổng diện tích rừng ngập mặn đã giảm từ 18,8 triệu ha năm 1980 xuống còn 15,2 triệu ha năm 2005.
Tuy nhiên, có sự chậm lại trong tỷ lệ mất rừng ngập mặn: từ khoảng 187.000 ha bị phá hủy hàng năm trong thập niên 1980 thì giai đoạn 2000-2005 chỉ còn 102.000 ha mỗi năm, điều này phản ánh sự nâng cao nhận thức về giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Châu Phi, Bắc và Trung Mỹ là khu vực bị suy giảm đáng kể diện tích rừng ngập mặn, với con số mất mát tương ứng là 690.000 và 510.000 ha rừng trong vòng 25 năm qua.
Châu Á gánh chịu sự mất rừng ngập mặn lớn nhất từ năm 1980, với hơn 1,9 triệu ha bị tàn phá, chủ yếu do những thay đổi trong việc sử dụng đất đai.
Ở cấp quốc gia, Madagascar, Indonesia, Mexico, Pakistan, Papua New Guinea và Panama là những nước có diện tích rừng bị mất lớn nhất trong những năm 1980.
Tổng diện tích rừng bị mất ở năm nước này là khoảng 1 triệu ha, tương đương với diện tích Jamaica. Nhưng trong những năm 1990, Pakistan và Panama đã thành công trong việc giảm tỷ lệ mất rừng ngập mặn.
Ngược lại, Madagasca, Việt Nam và Malaysia lại trải qua thời kỳ phá rừng tăng lên và nằm trong số năm quốc gia đứng đầu về diện tích rừng bị mất trong thập niên 1990 và giai đoạn 2000-2005.
FAO chỉ ra rằng áp lực dân số cao, sự chuyển đổi quy mô lớn một diện tích rừng ngập mặn sang nuôi trồng tôm cá, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và du lịch, cũng như ô nhiễm và các thảm họa tự nhiên là những nguyên nhân chính dẫn đến tàn phá rừng ngập mặn.
“Rừng ngập mặt là khu đất ngập nước có rừng rất quan trọng và hầu hết các nước hiện nay đã bị cấm chuyển đổi rừng ngập mặt sang làm thủy sản, và họ đánh giá tác động môi trường trước khi sử dụng các khu rừng ngập mặt cho những mục đích khác”, đó là phát biểu của ông Wulf Killmann, Giám đốc Ủy ban Lâm sản và Công nghiệp của FAO, trong dịp kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới (02/02/2008).
Ông còn nói thêm: “Điều này khiến cho việc quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn được tốt hơn ở nhiều nước. Nhưng nói chung thì con số mất những khu rừng ven biển này vẫn đang ở mức đáng báo động. Tỷ lệ mất rừng ngâp mặn cao hơn đáng kể so với tỷ lệ mất các loại rừng khác. Nếu việc chặt phá rừng ngập mặn còn tiếp tục thì sẽ dẫn đến những thiệt hại về đa dạng sinh học và sinh kế nghiêm trọng, cùng với đó là sự xâm nhập mặn ở vùng ven biển và lắng đọng bùn ở các rạn san hô, cảng và đường tàu biển. Du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các nước cần bắt tay vào việc bảo tồn hiệu quả và quản lý bền vững hơn nữa các vùng rừng ngập mặn trên thế giới cũng như các hệ sinh thái đất ngập nước khác”.
“Một ghi nhận tích cực là số các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn tăng lên theo thời gian, trong đó có Băng-la-det”, theo lời Cán bộ Lâm nghiệp cấp cao Mette Wilkie.
Rừng ngập mặn là những khu rừng thường xanh chịu mặn dọc bờ biển, đầm phá, sông hay các vùng châu thổ ở 124 nước hay vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, bảo vệ vùng ven bờ khỏi xói mòn, lốc xoáy và gió. Các khu rừng ngập mặn là hệ sinh thái quan trọng cung cấp gố, thực phẩm, cỏ khô, thuốc men và mật ong.
Chúng cũng là nơi sống của nhiều loài động vật như cá sấu, rắn, hổ, hươu, rái cá, cá heo và chim. Hàng loạt các loài cá và động vật có vỏ cũng phụ thuộc vào những khu rừng ven biển và rừng ngập mặn giúp bảo vệ rạn san hô khỏi sự tích tụ bùn do xói mòn từ nội địa.
Báo cáo của FAO cũng cho rằng Nigeria, Indonesia, Australia, Brazil, và Mexico có tổng diện tích rừng ngập mặn chiếm 50% toàn cầu.
Đánh giá rừng ngập mặn thế giới từ 1980-2005 được hoàn thành với sự hợp tác của các chuyên gia về rừng ngập mặn trên toàn thế giới và được hỗ trợ bởi Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO).
FAO và ITTO đang làm việc với Hội Hệ sinh thái Rừng ngập mặn Quốc tế và các tổ chức khác để xuất bản cuốn Atlas Rừng ngập mặn Thế giới vào cuối năm nay (2008).