Arsenic khiến người sử dụng bị rụng tóc, tê tay chân, rối loạn tiêu hoá, xơ gan, tăng huyết áp, huyết tán, thiếu máu, tiểu đường và ung thư.
Đó là những tác hại của Arsenic đối với sức khoẻ, tính mạng con người, theo khẳng định của tổ chức Unicef. Đáng lo ngại là tại Việt Nam hiện có tới 10 tỉnh có nguồn nước ngầm bị nhiễm arsenic vượt mức cho phép, tập trung tại các vùng ven sông như đồng bằng Sông Hồng, đồng bằng Sông Cửu Long.
Thông tin này được công bố tại Hội thảo giới thiệu hướng dẫn chẩn đoán giám sát và dự phòng nhiễm độc Arsenic do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm Arsenic.
Trong những điểm nóng về nguồn nước nhiễm Arsenic, phải kể đến các tỉnh Hà Tây, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp, Hưng Yên, Hải Dương và Hà Nội.
Ở Hà Nội, huyện Thanh Trì và Từ Liêm là hai nơi bị nhiễm Arsenic nặng nhất.
Ở tỉnh Hà Tây, mức độ càng nghiêm trọng hơn khi có tới 37% vùng đất có nguồn nước bị nhiễm Arsenic, hàm lượng nhiễm vượt mức cho phép tới 0,5mg/l.
Sở dĩ Hà Tây có mức độ nhiễm Arsenic nặng là do nơi đây có tới 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy. Địa chất ở đây là vùng trầm tích hạt mịn ven sông. Yếu tố địa hình khiến nguồn nước bị nhiễm Arsenic nặng.
Ông Nguyễn Tiến Nội, Giám đốc Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Mức độ ô nhiễm Arsenic ở Hà Tây hiện vượt ngưỡng cho phép tới 0,5mg/l và vùng bị ô nhiễm Arsenic nặng chiếm tới 37%. Rất nguy hiểm. Nơi nhiễm nặng nhất là vùng ven sông Nhuệ, vùng làng nghề, vùng trũng. Ngoài ra, nước ở đây còn nhiễm amoni.
Một nghiên cứu khác của tổ chức Unicef tại Hà Nam còn chỉ ra tới 8 người có nghi ngờ bị nhiễm Arsenic do sử dụng nguồn nước bị nhiễm Arsenic trong một thời gian dài. Xét nghiệm cho thấy lượng Arsenic trong tóc và nước tiểu của họ có hàm lượng cao hơn mức bình thường rất nhiều, dẫn tới xuất hiện các đốm sắc tố trên da, sừng hóa trong lòng bàn tay và bàn chân.
Arsenic là nguyên nhân gây ra các bệnh dày sừng, tăng sắc tố, giảm sắc tố, ung thư da. Ngoài ra, Arsenic khiến người sử dụng bị rụng tóc, tê tay chân, rối loạn tiêu hoá, xơ gan, tăng huyết áp, huyết tán, thiếu máu, tiểu đường, rối loạn về thai sản, ung thư.
Với những vùng nằm trong bản đồ bị ô nhiễm Arsenic cao, tổ chức Unicef dự định sẽ chuyển sang nghiên cứu tiếp theo là nghiên cứu về bệnh học, để lên tiếng cảnh báo người dân.
Hiện nay, ở vùng đồng bằng sông Hồng, giải pháp về bình lọc nước bằng cát có giàn phun mưa vừa giảm lượng sắt trong nước vừa giảm lượng Arsenic tới 90%. Nhưng với vùng đồng bằng sông Cửu Long, lượng sắt trong nước ít, nên cách lọc này hoàn toàn chưa hiệu quả.
Bà Nguyễn Thanh Hiền, quyền trưởng chương trình nước sạch và Vệ sinh môi trường của Unicef cho biết, cách duy nhất hiện nay vẫn phải là ngưng sử dụng nguồn nước bị nhiễm Arsenic!