Một nhà khoa học Malaysia cho biết bà đã khám phá phương thức ít tốn kém để biến trấu (phế phẩm của quá trình sản xuất gạo) thành vật liệu công nghệ cao có thể giúp giảm hóa đơn tiền điện, bảo vệ các cao ốc trong các vụ đánh bom và làm cho máy bay ngày càng nhẹ hơn.
Aerogel – là chất rắn nhẹ nhất mà con người biết đến – được một nhà khoa học Mỹ phát minh năm 1931, nhưng chi phí sản xuất cao đã hạn chế việc sử dụng loại vật liệu này. Giáo sư Halimaton Hamdan của Đại học Công nghệ Malaysia cho biết qui trình mà bà đang nghiên cứu có thể cắt giảm chi phí sản xuất Aerogel đến 80%, đưa nó trở thành thứ vật liệu bình dân được sử dụng rộng rãi.
Chính phủ Malaysia cho biết sẽ tài trợ 62,5 triệu USD cho dự án thử nghiệm trên qui mô lớn của giáo sư Hamdan. Bà cho biết chi phí chế tạo 100 gam aerogel theo qui trình sử dụng trấu của bà chỉ tốn 60 USD so với 300 USD nếu sử dụng các phương pháp hiện nay.
Một trong những ứng dụng của aerogel là dùng để phủ lên các bức tường nhà, giúp giảm đáng kể nhu cầu sử dụng lò sưởi và hệ thống điều hòa nhiệt độ. Khả năng cách nhiệt của Aerogel hiệu quả gấp 37 lần so với sợi thủy tinh.
Ngoài ra, Aerogel có thể chịu được sức ép gấp 2.000 lần trọng lượng của nó, đưa nó trở thành vật liệu thích hợp để sản xuất cửa chống bom đạn và vật liệu cách âm. Vật liệu này cũng có tính năng làm sạch các vệt dầu tràn trên biển và hút chất ô nhiễm trong không khí.
Hiện nay, phương pháp của giáo sư Hamdan vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm và phải mất vài năm nữa, kỹ thuật sản xuất aerogel của bà mới có thể được thương mại hóa.