“50 năm nữa nước biển có thể ngập Hòn Đất hả? Ôi trời, tôi có sống đến lúc đó đâu nữa mà lo!” – ông Võ Oai Nghi, nông dân sống tại xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, nói. Đó là ý kiến của một nông dân. Ở cấp độ cao hơn, tầm nhìn xa hơn, các nhà quản lý có thể nào cũng thờ ơ như vậy?
Mùa mưa ngắn lại, mùa khô dài hơn
Đánh giá của thế giới về nguyên nhân làm cho trái đất nóng lên, thì Việt Nam không bị xếp vào danh sách nguồn phát thải CO2. Nói một cách dân dã, trong những “thủ phạm” đang đốt nóng trái đất, “tội” của chúng ta là không đáng kể.
Thế nhưng, trong danh sách những nước bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH), Việt Nam luôn nằm trong “top” đầu thế giới. Và bây giờ, khi mà những kịch bản về tác động của BĐKH được xây dựng cho Việt Nam, kịch bản nào cũng rất đáng buồn, thì việc tìm cách để thích ứng, để đối phó với BĐKH, đang cần thiết hơn là tìm ra người để “bắt đền trái đất”.
“Ngoài cảnh báo về những tác động lớn của tương lai, BĐKH còn gây ra nhiều thiệt hại trước mắt cho người dân. Người dân cần phải được học cách thích ứng, sống chung với những đổi thay ấy” – bà Nguyễn Thị Hiền Thuận, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học kỹ thuật khí tượng thủy văn – môi trường tại TP.HCM, nói. Những đổi thay mà bà Thuận cảnh báo đó là gì?
Đó là ở ĐBSCL, mùa mưa ngắn lại và mùa khô kéo dài hơn. Vì vậy, mặc dù lượng mưa trong một năm hầu như không thay đổi, nhưng do thời gian mưa ngắn, cơn mưa lớn hơn và mùa khô kéo dài hơn nên cả ngập lụt và hạn hán đều có xu hướng tăng lên. Một vấn đề lớn nữa là khi khí hậu thay đổi, hệ sinh thái cũng bị tác động, một số loại virus sẽ phát triển mạnh hơn và khả năng thích ứng với khí hậu của con người phải thay đổi…
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu nước biển dâng cao 1m, có tới 27% sinh cảnh tự nhiên quan trọng, 33% khu bảo tồn, 23% khu vực có sự đa dạng sinh học chính của Việt Nam bị tác động. “Khi nhiệt độ tăng lên 1oC thì san hô chết từng chòm, nếu nhiệt độ tăng lên 2oC thì san hô chết rất nhiều” – ông Nguyễn Xuân Niệm, điều phối viên dự án bảo tồn san hô và cỏ biển Phú Quốc cho biết.
Theo ông Niệm, khi các rạn san hô chết, ảnh hưởng kinh tế – môi trường của nó là rất lớn, bởi bên cạnh giá trị kinh tế lớn, san hô được coi như sinh vật chỉ thị nhiệt độ, là cánh rừng nhiệt đới của đại dương.
Quỹ hỗ trợ… chưa đến, kế hoạch còn ở xa
Giữa muôn vàn tác động mà BĐKH mang theo đó, chúng ta sẽ phải làm gì? Được biết, nhiều quốc gia trên thế giới có rất nhiều nguồn quỹ phục vụ cho các cơ chế làm sạch toàn cầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nước ngoài, hiện nay Việt Nam đang bị tụt lại so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan trong việc tiếp cận các nguồn quỹ này.
Trước đây, ông Donal Brown, Trưởng Đại diện Cơ quan Phát triển Anh, cho rằng, Việt Nam chưa dành đủ sự quan tâm cần thiết, chưa có kế hoạch tốt đối phó với vấn đề này. Do đó, chưa tận dụng được nguồn vốn toàn cầu sẵn có.
“Các nước phát triển như Anh đã cung cấp một lượng tài chính rất lớn trong quỹ toàn cầu như cơ chế phát triển xanh. Những quỹ này Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận. Điều đáng thất vọng là Việt Nam chưa tận dụng được nhiều từ những nguồn quỹ như vậy. Để tiếp cận những nguồn vốn đó, Việt Nam cần có một kế hoạch tốt, một cam kết mạnh mẽ về khí hậu toàn cầu. Việt Nam chưa hề đưa ra một kế hoạch để có thể tiếp cận nguồn vốn, do đó chưa được nhận vốn. Các nhà tài trợ không thể đưa tiền khi không biết bạn sẽ dùng tiền đó như thế nào. Sau khi có một kế hoạch hành động tốt, các bạn có thể tiếp cận dễ dàng nguồn quỹ này đối phó với vấn đề BĐKH”, ông Donal Brown nói.
Phó Giám đốc UNDP tại Việt Nam, ông Christopher Bahuet, khuyến nghị, Việt Nam cần giải quyết ở cả ba cấp độ: cộng đồng, chính sách và năng lực thể chế, trong đó quan trọng nhất là xây dựng năng lực thể chế. Ở cấp độ cộng đồng, trong ngắn hạn, cần có các hỗ trợ khẩn cấp thông qua hỗ trợ thiên tai; về lâu dài, cần nâng cao năng lực thích ứng ở các vùng bị ảnh hưởng, ví dụ như xây dựng nhà cửa thích hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Ở cấp độ chính sách, cần xây dựng chiến lược ở cấp quốc gia cũng như địa phương. Các yếu tố thay đổi khí hậu cần được lồng ghép với chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo cần xem BĐKH là vấn đề trọng yếu và cần hoàn thành kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH trong tháng 6 năm nay. Nhưng xem thực tế từ những nơi mà BĐKH sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến như Hòn Đất, có vẻ như với những người dân địa phương, BĐKH vẫn là một chuyện quá xa vời.
“Tôi hầu như không thấy các ngành và địa phương tính toán đến kế hoạch dài hạn ứng phó với BĐKH. Càng xem nhẹ kế hoạch thích ứng bao nhiêu, càng tính toán ngắn bao nhiêu, thiệt hại phải hứng chịu sẽ càng lớn bấy nhiêu” – TS Trần Duy Bình, Chủ tịch Hội đồng Trung tâm KHCN khí tượng thủy văn – môi trường, nói.
Câu phương ngôn “không lo xa, họa đến gần”, là lời cảnh báo chung cho mọi ngành, mọi người.