Viện Hàn lâm Công nghệ quốc gia Mỹ vừa công bố 14 thách thức công nghệ lớn trong thế kỷ 21 mà nếu giải quyết được, cuộc sống con người sẽ được cải thiện đáng kể. Danh sách này được bầu chọn bởi ủy ban 18 thành viên gồm các kỹ sư và nhà khoa học hàng đầu thế giới như nhà phát minh máy scanner Ray Kurzweil, chuyên gia robot Dean Kamen, thiên tài về di truyền học J. Craig Venter…
Các thách thức chủ yếu tập trung vào con người và sự phát triển mà theo các nhà khoa học, nhân loại có khả năng đáp ứng được, chẳng hạn như phát triển bền vững, sức khỏe, giảm đói nghèo…
1. Sản xuất năng lượng Mặt trời với giá thành phù hợp với túi tiền người tiêu dùng: Khai thác và lưu trữ năng lượng Mặt trời với chi phí có thể cạnh tranh với các loại nhiên liệu hóa thạch.
2. Khai thác năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch: Duy trì phản ứng nhiệt hạch ở mức độ có thể kiểm soát để sản xuất điện năng.
3. Phát triển các phương pháp tách khí carbon: Thu gom khí carbon dioxide (CO2) thoát ra do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch và chôn lượng khí carbon thừa trong lòng đất.
4. Kiểm soát chu kỳ khí nitơ: Phát triển các phương pháp trồng trọt không cần phân bón và ngăn ngừa các hoạt động gây ô nhiễm.
5. Cung cấp nước sạch: Giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu tại nhiều khu vực trên thế giới.
6. Khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng đô thị: Tân trang cơ sở hạ tầng xuống cấp đồng thời nâng cao hơn nữa môi trường sinh thái ở các đô thị.
7. Cải tiến hệ thống công nghệ thông tin của y tế: Xác định các yếu tố điển hình giúp cải thiện sức khỏe và gây ra bệnh tật, hướng tới mục tiêu phát triển liệu pháp điều trị cho từng cá nhân.
8. Thúc đẩy y học phát triển: Tìm ra phương pháp chữa trị các bệnh nan y cũng như những bệnh mới xuất hiện.
9. Khám phá hoạt động của não bộ: Giải mã các chức năng của bộ não con người để tìm ra hướng điều trị các bệnh liên quan đến não và đẩy mạnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
10. Ngăn chặn khủng bố hạt nhân: Đẩy lùi nguy cơ xảy ra khủng bố hạt nhân từ những phần tử cực đoan muốn phá hoại xã hội.
11. Bảo vệ thế giới ảo: Bảo vệ hạ tầng công nghệ thông tin toàn cầu khỏi tay bọn tin tặc, virus và những mối đe dọa khác mà không gây nghẽn mạng dữ liệu.
12. Đẩy mạnh công nghệ thực tế- ảo: Sử dụng công nghệ máy tính để tạo ra môi trường tưởng tượng sống động cho lĩnh vực giáo dục và giải trí.
13. Cải tiến giáo dục theo hướng phát huy tố chất cá nhân: Chuyển đổi từ phương pháp giáo dục thụ động sang phương pháp giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin, cuốn hút người học và khơi gợi khả năng sáng tạo của mỗi người.
14. Phát triển những công cụ khám phá khoa học: Nâng cao các phương pháp khai phá các lĩnh vực của cuộc sống, hạt nhân và vũ trụ.
Các nhà khoa học quyết định không xếp hạng những thách thức kể trên mà để cho công chúng bầu chọn thách thức nào là nghiêm trọng nhất và phản hồi ý kiến qua trang web của dự án: www.engineeringchallenges.org.
Giáo sư Đại học Harvard Calestous Juma, người chú trọng đến sự phát triển toàn cầu cho biết những thách thức trên phản ánh tầm quan trọng của khoa học-công nghệ trong xã hội toàn cầu hóa. Ông hy vọng dự án này sẽ mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển cũng như các nước công nghiệp.
“Chất lượng sống ngày càng được nâng cao là nhờ chúng ta liên tục cải tiến công nghệ trong các lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp. Do đó, nếu tập trung đối phó với những thách thức này, chúng ta sẽ có tương lai tốt đẹp hơn” – Larry Page, người đồng sáng lập trang web Google, thành viên nhóm nghiên cứu, khẳng định.