Yên Bái là một trong những tỉnh đi đầu trong trồng rừng kinh tế: Toàn tỉnh hiện có 135.000 ha rừng trồng, hàng trăm cơ sở chế biến lâm sản lớn nhỏ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn…
Tuy nhiên, trồng rừng mới chỉ phát triển mạnh ở các huyện vùng ngoài của tỉnh, còn đối với nông dân vùng Mường Lò thuộc khu vực huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ thì trồng rừng kinh tế vẫn còn là điều mới lạ.
Thực hiện chủ trương phát triển trồng rừng kinh tế ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh, đầu năm 2006, Chi cục Lâm nghiệp phối hợp cùng huyện Văn Chấn xây dựng mô hình trồng rừng kinh tế bằng giống bạch đàn mô, keo lai, keo hạt nhập nội tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn để chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc bảo vệ rừng cho nông dân.
Tham gia thực hiện mô hình này có 18 hộ dân thuộc thôn Hồng Sơn của xã. Trước khi triển khai các phần việc ngoài thực địa, Chi cục Lâm nghiệp đã mở hội nghị và các lớp tập huấn kỹ thuật, giới thiệu thông tin cơ bản liên quan đến mô hình và kỹ thuật chăm sóc các loài cây tiến bộ cho các hộ tham gia dự án và các hộ dân trong vùng có nhu cầu về trồng rừng.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Lâm nghiệp đã thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi rút kinh nghiệm cho nhân dân… Sau 19 tháng kể từ khi trồng, kết quả như sau: cây trồng từ giống bạch đàn mô cho đường kính gốc đạt 6,4 cm, chiều cao đạt 4,8 m; keo nhập nội đường kính gốc đạt 5,2 cm, chiều cao đạt 4,1m; keo lai đường kính gốc 5,3 cm chiều cao đạt 6,1m (cá biệt có những cây đường kính gốc đạt 8,5cm, chiều cao đạt 6,1m và với năm thứ nhất đường kính gốc tăng 4 lần, chiều cao tăng gấp 3,3 lần. Với đà phát triển như hiện nay, chỉ 5 năm là cho thu hoạch và năng suất đạt không dưới 120m3/ha, doanh thu dự ước đạt 70-80 triệu đồng (theo thời giá hiện nay).
Qua đó, người dân đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của trồng rừng, cũng như nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao; thấy được hiệu quả của việc thâm canh rừng trồng và thời vụ trồng.
Tuy nhiên, việc trồng rừng vùng Mường Lò gặp không ít khó khăn do đặc thù tiểu vùng khí hậu á nhiệt đới và ôn đới, ảnh hưởng gió mùa Tây Nam dẫn đến khô hanh ảnh hưởng trực tiếp tới việc trồng rừng. Khắc phục tình trạng này, Chi cục Lâm nghiệp Yên Bái đã hướng dẫn người dân trồng rừng vào mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch), muộn hơn so với các uyện thị vùng ngoài của tỉnh.