Về một phương diện nào đó, Việt Nam không xa lạ với các sản phẩm sinh thái. Tiêu chuẩn "các hệ thống quản lý môi trường" ISO 14001 ban hành tháng 09/1996, đến nay đã có hàng chục nhà máy/xí nghiệp Việt Nam được cấp chứng chỉ "Đạt tiêu chuẩn". Năm 1999, Việt Nam ký Tuyên ngôn về sản xuất sạch hơn, đến nay hàng trăm cơ sở sản xuất ở nhiều ngành và nhiều địa phương của Việt Nam đang thực hiện sản xuất sạch hơn.
Việc dán nhãn sinh thái hoặc các nhãn tương tự đã được thí điểm thực hiện ở một số sản phẩm. Nhãn sinh thái khuyến khích nhà sản xuất thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường tốt hơn trên cơ sở giảm thiểu các tác động môi trường, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, giảm tiêu thụ năng lượng, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên… Nếu sản phẩm được cấp nhãn sinh thái được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều thì điều đó chứng tỏ nó đã khuyến khích nhà sản xuất thay đổi công nghệ nhằm đáp ứng được các tiêu chí môi trường và yêu cầu của người tiêu dùng, hay nói một cách khác là đạt được kết quả sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Cho dù còn có những quan niệm chưa thống nhất về sản phẩm sinh thái, nhưng theo nghĩa rộng nhất, có thể hiểu sản phẩm sinh thái là những sản phẩm do con người tạo ra thân thiện với môi trường. Với cách hiểu này, xét về mặt lịch sử, Việt Nam và nhiều nước khác từ lâu đã có nhiều sản phẩm sinh thái, và điều đó có tác động tích cực đối với việc quảng bá cho sản phẩm sinh thái theo cách hiểu của công nghiệp.
Một số DN và cơ quan nghiên cứu của Việt Nam đã đưa ra được nhiều sản phẩm sinh thái đối với nhiều mặt hàng khác nhau. Trường Đại học Đà Nẵng đã chế tạo thành công xe máy chạy bằng ga thay cho chạy bằng xăng, tiết kiệm nhiều nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí. Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông Hà Nội đã sản xuất nhiều loại bóng đèn tiêu thụ ít điện lượng, có loại chỉ bằng 1/2 so với bóng đèn thường dùng hiện nay.
Nhiều DN nhỏ và vừa sản xuất các loại hầm biogas phù hợp với quy mô gia đình, trang trại, sản xuất tập trung lớn, tận dụng chất thải để làm phân, đun nấu, giảm bớt ô nhiễm môi trường.
Công ty TNHH Tân Thuận Phong đã áp dụng thành công các thành tựu nghiên cứu khoa học để tái chế từ nguồn chất thải của các nhà máy thành các sản phẩm hữu ích. Tương tự như vậy, tập đoàn Văn Đạo – Hà Tây đã xử lý thành công cặn dầu để tái
tạo thành dầu sạch và các sản phẩm hữu ích khác…
Các sản phẩm sinh thái, các công nghệ thân thiện môi trường đang có mặt ngày càng nhiều ở Việt Nam, từng bước góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của cộng đồng, chuyển hướng xanh hoá nền công nghiệp non trẻ của Việt Nam.