Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối tháng 05/2008, dù hạn chưa căng thẳng song nước ta sẽ hứng chịu đợt thiếu nước trầm trọng.
Nước sẽ thiếu trầm trọng
TS Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết, tổng lượng mưa từ tháng 02-04/2008 trên phạm vi cả nước ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm. Lượng mưa tăng không nhiều song đủ làm độ ẩm trong không khí không quá thấp. Khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên có khả năng xảy ra mưa trái mùa, góp phần giảm thiểu tình hình thiếu nước và khô hạn ở khu vực này.
Tuy nhiên, vẫn theo TS Châu, dù có sự góp sức của đợt mưa trái mùa song dòng chảy các sông tăng không đáng kể (hiện dòng chảy các sông đang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và có xu hướng giảm dần).
Theo tính toán, so với cùng kỳ năm ngoái, mực nước hồ Hòa Bình ngày 19/2 là 109,1m, thấp hơn 1,61m, mực nước hồ Thác Bà thấp hơn 4m, mực nước hồ Tuyên Quang thấp hơn 7,98m. Đặc biệt mực nước tại Hà Nội đã thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 0,6m.
Với những tính toán này, các chuyên gia cho rằng, mới ở đầu mùa khô mà mực nước các hồ, các sông đã rất thấp, trong khi chảy trên các sông ở Bắc Bộ trong điều kiện tự nhiên có khả năng nhỏ hơn trung bình nhiều năm 15-30%, việc thiếu nước trong mùa khô này là điều khó tránh khỏi.
Tác động từ dòng chảy
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước trầm trọng dù chưa xảy hạn hán năng là do nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh (tăng 15-20% so với năm 2007). Ngoài ra, việc lòng sông bị đào sâu hơn để các phương tiện vận tải thủy đi lại thuận tiện cũng khiến dòng chảy các sông thay đổi khiến mực nước sông thấp dần.
“Vấn đề khan hiếm nước và nguy cơ xung đột lợi ích sử dụng nước giữa các ngành đã được cảnh báo, đặc biệt là mâu thuẫn giữa xả nước cho phát điện và xả nước cho nông nghiệp lâu nay”, TS Châu nói, “Một nguy cơ tiềm ẩn làm cuộc khủng hoảng nước càng trầm trọng là các thủy điện nhỏ, thủy điện tư nhân đang mọc lên tràn lan ở khắp các sông suối”.
TS Châu cho biết, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, thủy điện được làm cả trên những suối nhỏ. Các thủy điện này được xây dựng không hề tham khảo số liệu thủy văn cũng như tùy ý xả nước hoặc tích nước đã ảnh hướng không nhỏ đến lưu lượng nước các sông lớn.
“Về lâu dài, các ngành chức năng phải tính cho được một “dòng chảy môi trường” sao cho nước sông ở mức thấp nhất cũng đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu sử dụng”, TS Châu nhấn mạnh.
Đươc biết, hiện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đang triển khai nghiên cứu đánh giá tác động của hệ thống hồ chứa trên sông Đà, sông Lô đến dòng chảy mùa cạn sông Hồng và đề xuất giải pháp đảm bảo nguồn nước cho hạ du, bước đầu xác định tình hình xả nước của các hồ chứa phía Trung Quốc, các hồ chứa nhỏ để chủ động hơn trong điều tiết nước.