Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua các kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa Liên minh châu Âu (EU) trở thành một nền kinh tế thân thiện nhất với môi trường trên thế giới. Quốc hội châu Âu được yêu cầu phải đưa ra một loạt các biện pháp nhằm đạt được sự phát triển bền vững và đó sẽ là các đề xuất về pháp lý có ảnh hưởng sâu rộng nhất do EC đưa ra trong nhiều năm tới.
Một tài liệu được nhiều người mong đợi lý giải bằng cách nào 27 nước thành viên EU có thể cắt giảm 20% các phát tán CO2 so với mức của năm 1990 vào 2020. CO2 là chất khí có liên quan nhiều nhất đến nóng lên toàn cầu.
Mục tiêu trên đã được các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí vào tháng 03/2007, cùng với việc đảm bảo thực hiện cắt giảm hơn nữa, tới mức 30% nếu các nước có nền kinh tế phát triển khác có những nỗ lực tương tự.
Hai giải pháp quan trọng nhất nhằm thực hiện cam kết trên bao gồm: thứ nhất, kế hoạch pháp lý về việc mở rộng hệ thống thương mại các phát tán CO2 được phép hiện nay của EU, đưa thêm nhiều ngành công nghiệp và các dạng khí nhà kính khác vào chương trình; thứ hai, đưa ra các quy định về những nỗ lực mà mỗi nước thành viên EU phải thực hiện nhằm cắt giảm phát tán CO2 của các chi nhánh thuộc ngành công nghiệp không nằm trong chương trình thương mại phát tán.
Các giải pháp khác trong nhóm giải pháp liên quan đến cam kết của các nhà lãnh đạo EU đưa ra vào tháng 3/2007 nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng từ các nguồn tái tạo như điện từ gió và điện mặt trời lên 20% trong tổng mức tiêu thụ và 10% mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông là từ sử dụng nhiên liệu sinh học từ thực vật vào năm 2020.
Nhưng ngay cả trước khi các giải pháp này được thông qua, các đề xuất của EC đã bị ngành công nghiệp và các nhà môi trường chỉ trích. Đại diện ngành công nghiệp cho rằng chi phí mua giấy phép phát tán CO2 có thể khiến họ không có khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác không thuộc EU hoạt động tại các nước có các quy định ít chặt chẽ hơn.
Những yêu cầu này đã không bị EC bỏ qua trong lần đề nghị cuối cùng, trong đó xác nhận các luật được đưa ra có thể cho phép các ngành công nghiệp nặng được cấp giấy phép phát tán miễn phí. Còn các nhóm môi trường thì công kích chính sách về nhiên liệu sinh học và cho rằng chính sách này có thể làm tăng tốc độ phá rừng mưa nhiệt đới và gây thiệt hại môi trường ngoài khu vực EU. Hiện tại, đề nghị cần được các nước thành viên EU thông qua.