“Mở cửa không phận” và hệ quả với môi trường

Ngành hàng không quốc tế chuẩn bị đạt được một bước tiến vô cùng quan trọng. Tháng 3 năm nay, thoả thuận “mở cửa không phận” của Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực. Nhưng đó có phải là một tín hiệu vui với vấn đề môi trường?

Theo thỏa thuận này, các hãng hàng không của EU đều có thể bay từ bất cứ thành phố nào trong khuôn khổ EU tới bất cứ thành phố nào trong phạm vi nước Mỹ, và ngược lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có một loạt đường bay xuyên Đại Tây Dương.

Sự kiện này diễn ra tiếp ngay sau khi một nhà ga mới, được thiết kế theo phong cách Norman Foster được xây dựng để đưa vào hoạt động ở sân bay Bắc Kinh. Nhà ga số 5 của sân bay Heathrow (Anh) cũng sẽ mở cửa đón khách cuối tháng này.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà nhu cầu hàng không tăng với tốc độ chóng mặt. Những nhà ga mới cũng như những thỏa thuận quốc tế chính là “trái ngọt” kết tinh từ những nhu cầu ấy.

Nhưng cùng với đó là những hệ quả mà các những người làm chính sách không mong muốn. Người ta đưa ra ngày càng nhiều bằng chứng về ô nhiễm môi trường – hậu quả của chính ngành công nghiệp hàng không.

Hàng không là con đường nhanh nhất phát tán khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí phát ra từ máy bay đặc biệt gây hại cho môi trường.

Theo các nhà khoa học, chúng ta chỉ có thể đạt được một trong hai mục tiêu: hoặc là sự phát triển vượt bậc của hàng không quốc tế với tốc độ như hiện nay, hoặc là sự bền vững của khí hậu toàn cầu.

 
Khói và khí phát ra từ máy bay rất độc hại với môi trường. (Ảnh: airspacemag.com).

Chúng ta không thể cùng lúc đạt được cả hai. Với tốc độ phát triển ngành hàng không như hiện nay, thì các chính phủ sẽ để lỡ mất mục tiêu giảm 60% lượng khí thải CO2 vào năm 2050.

Trong khi sự thay đổi khí hậu diễn ra hết sức nhanh chóng, các chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế nỗ lực đưa ra các biện pháp ngăn chặn hoặc làm chậm lại quá trình ấy. Nhưng với chính sách “mở cửa không phận”, không ít người coi đó là một bước lùi.

Rõ ràng là quan điểm này có phần đúng. Hệ quả trước hết của việc tự do hoá đường bay xuyên đại tây dương chính là sự tăng vọt số lượng các chuyến bay.

Với mỗi đường bay từ Châu Âu đi Mỹ được thay thế bằng một đường bay xuyên đại tây dương, chi phí cho gìn giữ môi trường cũng sẽ tăng thêm.

Người ta ước tính, đến tháng 4 năm nay, trung bình một ngày sẽ có 91 chuyến bay từ Heathrow đi Mỹ, chi phí cho bảo vệ môi trường sẽ tăng lên khoảng 24%.

Cũng giống như “mở cửa thị trường”, “mở cửa không phận” sẽ đẩy hàng không nội địa vào thế cạnh tranh quyết liệt, đôi khi là cạnh tranh không cân sức. Các chuyến bay trước đây là lợi thế của EU (như từ New York tới Heathrow) sẽ không còn là lợi thế nữa.

Không những vậy, khi hợp tác quốc tế về hàng không có hiệu lực thì cũng đồng nghĩa với việc các chính phủ cũng như các thể chế quốc tế bị gia tăng áp lực, phải hành động để giảm tải nhu cầu hàng không.

Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đánh thuế lên ngành công nghiệp hàng không. Nhưng, cái giá phải trả cũng tương đương với chi phí dành cho bảo vệ môi trường.

Mở cửa không phận, áp thuế hàng không mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Không phải vô cớ mà rất đông người dân EU phản đối chính sách mở cửa này. Họ cũng không đồng tình với việc xây dựng đường băng thứ 3 ở sân bay Heathrow.

Liệu bước đột phá trên bầu trời có là một thảm họa với hành tinh này? Phải chăng đã đến lúc cần có cái nhìn nghiêm túc hơn trong việc loại bỏ một trong những nguyên nhân của nguồn khí thải gây hiệu ứng nhà kính?