Năm 2007, “miền đất khó” Hà Tĩnh phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai, thời tiết. Ngành kiểm lâm cũng không nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng ấy, nhất là khi đang trong lộ trình thực hiện nghị định mới của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngành. Tuy nhiên, từ trong khó khăn, ngành đã giành được không ít thắng lợi.
Bão tố trên miền “đất khó”
Có lẽ chưa kể những trận mưa bão thì người dân miền núi Hà Tĩnh cũng đã đủ khốn khó bởi địa hình phức tạp, hiểm trở, thiếu đất canh tác… Chính vì vậy, bà con có thói quen khai thác bừa bãi, chưa có ý thức bảo vệ khiến nhiều vạt rừng nơi đây ngày càng trơ trụi. Kết quả là cháy rừng xảy ra thường xuyên, cá biệt, có tháng xảy ra 3 vụ liên tiếp tại 3 huyện, thiệt hại hàng chục hecta.
Bên cạnh đó, thực trạng xâm lấn đất đai, chống người thi hành công vụ diễn biến khá phức tạp ở các huyện Hương Khê (3 vụ chống người thi hành công vụ), Kỳ Anh và Hương Sơn; riêng Kỳ Anh năm 2006 có tới 163 vụ lấn chiếm, tranh chấp đất rừng. Không thể thờ ơ trước cảnh xâm hại rừng nhức nhối như vậy, lãnh đạo các cấp của Hà Tĩnh đã vào cuộc.
Năm 2007 là năm đầu tiên lực lượng kiểm lâm Hà Tĩnh thực hiện Nghị định 119/2006/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của ngành. Tuy nhiên, đây lại là năm vô cùng bất lợi bởi mưa bão, lụt lội liên tục ập xuống, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và khó khăn đến đời sống nhân dân, nhất là bà con khu vực miền rừng. Song, có lẽ, chính những khó khăn đó đã trở thành động lực thúc đẩy ngành lập được nhiều thành tích quan trọng, làm điểm tựa cho công tác bảo vệ rừng giai đoạn mới.
Bảo vệ rừng “tại gốc”
Ông Nguyễn Huy Lợi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: “Năm qua, chúng tôi đã thực hiện phương châm đưa kiểm lâm về tận xã, bảo vệ rừng tại gốc, lấy nhiệm vụ phát triển rừng là trọng tâm… Đồng thời, xây dựng Hương ước về bảo vệ rừng theo quy định của Chính phủ. Thường xuyên kết hợp với ngành giáo dục, văn hoá – thông tin tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu rõ những quy định của Nhà nước xung quanh vấn đề giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng…
Hàng tháng chúng tôi giao ban, toạ đàm đều đặn về công tác quản lý với các chủ rừng. Đây cũng là dịp để lắng nghe, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Song song với những hoạt động trên là việc bố trí kịp thời 150 cán bộ kiểm lâm địa bàn cho 193 phường, xã, thị trấn có rừng; vì vậy, số vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng, khai thác lâm sản trái phép giảm đáng kể, không còn những điểm nóng (đường dây, đầu nậu) nổi cộm trên địa bàn. Các đơn vị có chỉ tiêu khai thác được hướng dẫn chỉ đạo cụ thể, đúng quy trình. Việc xuất, nhập lâm sản của 153 xưởng chế biến trên toàn tỉnh đã được đưa vào diện quản lý”.
Với phương châm “phòng là chính” nên mùa khô năm 2007, số vụ cháy rừng giảm hẳn, hoặc được ngăn chặn và ứng cứu kịp thời. Cũng theo ông Lợi, điều đáng ghi nhận nhất là, Chi cục đã làm tốt công tác đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức, kể cả đào tạo lại. Vì vậy, trình độ của cán bộ ngày càng nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của công việc. Ngoài ra, đơn vị còn chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương phổ biến nội quy, quy chế, văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về rừng, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.
“Vạn sự khởi đầu nan”, để mở đầu cho thời kỳ mới trong công tác bảo vệ rừng, Chi cục đã đưa ra một số kiến nghị như đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp liên quan rà soát, hoàn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ rừng là doanh nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và giải quyết những bất hợp lý về diện tích, ranh giới sớm có phân cấp quản lý 3 loại rừng cho các huyện, thị, sớm cấp kinh phí giai đoạn 2007-2010 để có nguồn hoạt động; trích 50% kinh phí thu từ nguồn xử lý vi phạm lâm luật và bán phát mại lâm sản để đầu tư cho công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Chỉ đạo việc thu hồi rừng và đất lâm nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước; xây dựng trung tâm cứu hộ động vật hoang dã gắn với các khu rừng đặc dụng Vũ Quang, Kẻ Gỗ…
Dự kiến, năm 2008, tiếp tục đổi mới phương pháp tuyên truyền để đưa Luật Bảo vệ, phát triển rừng “thấm sâu” vào quần chúng, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi người, mọi nhà trong công tác bảo vệ rừng. Tập trung chỉ đạo chặt chẽ ở những vùng giáp ranh với Quảng Bình; biên giới Việt – Lào; điểm “nóng” Hương Khê – Vũ Quang. Triển khai tốt đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng… theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tăng cường kiểm tra, giám sát theo hướng quản lý, bảo vệ rừng tại gốc.