Tối ngày 03/03, Tổng giám đốc tập đoàn phần mềm Microsoft, Steve Ballmer, tuyên bố khai mạc Hội chợ Công nghệ Thương mại CeBIT 2008 tại thành phố Hanover của Đức với sự có mặt của Thủ tướng Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Mannuel Barroso và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Bên cạnh trình làng những trang thiết bị mới, tiên tiến và hoành tráng nhất giống mọi năm như điện thoại di động đời mới, laptop siêu mỏng, ti-vi màn hình phẳng cực lớn…, CeBIT năm nay chú trọng giới thiệu các sản phẩm công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn xanh, thân thiện với môi trường – một trong những chủ đề chính của hội chợ.
Để thực hiện chủ đề “xu hướng xanh trong ngành công nghệ thông tin (IT)”, các nhà tổ chức CeBIT đã bắt tay với nhóm Sáng kiến máy tính cứu giúp khí hậu (CSCI). Đây là tổ chức do các đại gia như Intel, Google, Microsoft, Dell, HP, Lenovo, IBM… thành lập năm 2007 nhằm cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính sinh ra trong quá trình chế tạo sản phẩm.
Chủ đề xanh của CeBIT gồm 3 ý chính, đó là hạn chế việc sử dụng các chất độc hại trong quá trình sản xuất máy tính, tái chế máy tính cũ thay vì vứt chúng ra bãi rác và sử dụng điện năng một cách tiết kiệm hơn. Từ ngày 4 đến 09/03, CSCI sẽ chủ xị một loạt hội thảo về các giải pháp kỹ thuật để ngành công nghiệp máy tính có thể “đối xử tử tế” hơn với môi trường.
CSCI đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2010 giảm 50% lượng khí thải carbon dioxide (CO2) sinh ra do hoạt động sử dụng máy tính, tức mỗi năm giảm 54 triệu tấn khí CO2. Ngoài ra, CSCI cũng hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu suất tiêu hao năng lượng của các sản phẩm IT. Nếu mục tiêu này đạt được thì ngành IT toàn cầu mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 5,5 tỉ USD tiền điện.
Theo tạp chí Stern của Đức, mạng Internet toàn cầu cần 14 nhà máy điện hoạt động liên tục để tạo ra lượng điện đủ để vận hành hệ thống máy chủ và máy tính, sinh ra lượng khí thải carbon tương đương mức của ngành hàng không thế giới, khoảng 2% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Stern dẫn chứng trường hợp Strato – nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web lớn nhất của Đức với hơn 3,5 triệu website – sử dụng lượng điện tương đương mức dùng của một thành phố nhỏ, và điện năng là khoản chi lớn nhất của công ty này.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp vừa của Bộ Môi trường Đức cho thấy 1.000 bộ vi xử lý hoạt động tiêu hao lượng điện tương đương mức dùng của 200 hộ gia đình. Năm 2006, chỉ riêng 50.000 máy chủ ở Đức đã xài 8,7 tỉ kilowatt giờ điện. Bộ này ước tính nếu lượng điện tiêu hao do sử dụng máy tính ở Đức giảm 20 tỉ kilowatt giờ thì mỗi năm nước này có thể cắt giảm 13,5 triệu tấn khí CO2 do các nhà máy sản xuất điện bằng nhiên liệu hóa thạch thải ra.
Tại CeBIT, các thành viên CSCI trình làng các sản phẩm IT tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường tại khu trưng bày mang tên “Làng IT xanh”, chẳng hạn như dòng máy chủ ít “ăn” điện hay trung tâm xử lý dữ liệu không thải khí CO2. Đến với “Làng IT xanh”, khách tham quan sẽ được tư vấn các giải pháp nhằm giảm lượng điện tiêu thụ của máy tính. Một chuyên gia của Intel cho rằng giải pháp đơn giản nhất là người dùng nên tắt máy tính khi không còn nhu cầu sử dụng hoặc chuyển sang chế độ Stand-by để tiết kiệm điện.
Nhiều công ty IT khác, đặc biệt là của nước chủ nhà, cũng tích cực hưởng ứng xu hướng xanh. Chẳng hạn, tập đoàn Deutsche Telekom cho biết quầy trưng bày sản phẩm của họ sử dụng 100% điện năng có nguồn gốc từ năng lượng tái sinh trong khi nhà sản xuất máy tính Fujitsu Siemens mang đến CeBIT dòng máy tính để bàn “xanh”, trang thiết bị công nghệ ít hao điện và công nghệ làm lạnh và quản lý nguồn điện thông minh.
Tập đoàn liên doanh Đức – Nhật này đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất IT đầu tiên chuyển sang phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng với giá thành hợp với túi tiền người tiêu dùng. Trong khi đó, IBM tiết lộ sẽ ra mắt mô hình trung tâm máy tính không giải phóng khí thải, sử dụng công nghệ tái chế năng lượng hoạt động dựa trên hệ thống mạch điện tự làm nguội thông minh.