Biến đổi khí hậu – Nỗi lo cận kề (Kỳ1): Chông chênh vựa lúa

250 đại biểu là nhà khoa học, đại diện các bộ ngành vừa tham dự hội thảo “Biến đổi khí hậu toàn cầu và giải pháp ứng phó của Việt Nam” diễn ra trong 4 ngày (26 đến 29/02). Với cảnh báo rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể làm 22 triệu người dân Việt Nam bị mất nhà và phần lớn diện tích canh tác màu mỡ nhất của vựa lúa sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ngập trong nước biển, hơn bao giờ hết, vấn đề BĐKH đã trở nên cấp bách.

Biển lành hóa dữ

“Mấy năm nay, Hòn Đất (Kiên Giang) phát triển tốt, đời sống người dân trong huyện đang khá lên. Ngập lụt có xuất hiện cũng rút nhanh, hạn hán không có. Nhờ vào hệ thống thủy lợi ngăn mặn và giữ nước, phần lớn diện tích đất trồng lúa của chúng tôi đã có thể trồng 2 vụ lúa, hoặc 1 vụ lúa, 1 vụ tôm”, ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng phòng Nông lâm ngư nghiệp huyện Hòn Đất nói. Theo ông Trung, năm 2007, sản lượng lúa toàn huyện đạt trên 650 ngàn tấn, là huyện có sản lượng lúa cao nhất nước. “Không chỉ sản lượng đứng đầu, mà năng suất của chúng tôi cũng vào hàng cao nhất nước”, ông Trung nói, kèm theo một nụ cười.

Câu phát biểu đó của ông Trung được chúng tôi ghi nhận trong chuyến đi thực tế về tình hình BĐKH, trong khóa đào tạo do Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam tổ chức, vừa kết thúc vào cuối tháng 2. Trong chương trình này, huyện Hòn Đất, được lựa chọn như là một trong những địa điểm có những tác động rõ nét và phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất do tác động của BĐKH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hòn Đất – địa danh nổi tiếng trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Đức – có khoảng 50km biển và được che chắn bởi hệ thống đê cũng dài gần bằng chừng ấy. Phần lớn người dân Hòn Đất sống bằng nghề nuôi tôm hoặc trồng lúa. Diện tích Hòn Đất chỉ cao hơn mặt nước biển chưa tới 1m và nằm trong khu vực “tứ giác Long Xuyên”, một trong hai khu vực thấp nhất tại ĐBSCL. “Chúng tôi có nghe nói đến việc trái đất đang nóng lên và nước biển có thể dâng cao thêm một mét. Nếu thế, nước biển sẽ ngập hết toàn bộ diện tích canh tác tại Hòn Đất. Nhưng tôi không dám tin vào điều đó lắm”, ông Trần Xuân Nghi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất nói.

Từ một góc nhìn nào đó, có vẻ như ông Nghi cũng có cái lý của mình. Biển ở Hòn Đất hầu như không có gió lớn, không có sóng to, hiền lành như đứng trước một dòng sông rộng. Có thể nào một vùng biển hiền lành như thế lại dâng nước lên, chiếm hết đất của dân? Từ Hà Nội, nơi cách Hòn Đất đến gần 2.000km, có nhiều nhà khoa học không đồng tình với cái nhìn về vùng biển hiền lành này của ông Nghi.

 
Số liệu 10 tỉnh, thành bị ngập nước nặng nhất theo kịch bản nước biển dâng 1m (của ông Jeremy Carew-Ried – Giám đốc Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường).

Tính toán của các nhà khoa học từ Viện Khoa học kỹ thuật khí tượng thủy văn – môi trường cho thấy nước biển đang dâng lên tại Việt Nam và đến năm 2010, mực nước biển sẽ tăng thêm 9cm so với 3 năm trước đó. “Mực nước biển sẽ dâng lên 33-45cm vào năm 2050 và có thể tiếp tục dâng thêm. Khi mực nước biển dâng thêm 1m, 14 triệu dân ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng, 40.000km2 vùng đồng bằng bị ngập lụt và 1.700km2 vùng ven biển bị chìm. TP.HCM và phần lớn ĐBSCL sẽ bị ngập”, ông Trần Thục, viện trưởng của viện này nói. Với hầu hết các nhà khoa học trên thế giới, hiện tượng nuớc biển dâng là do trái đất đang nóng lên, mà việc trái đất đang nóng lên đó, là do lỗi của con người.

Đất nóng dần

Chuyện đất nóng lên tại Kiên Giang đã được một chuyên gia khí tượng, khí hậu địa phương đưa ra con số để chứng minh. “Qua số liệu quan trắc của trạm khí tượng hải văn Phú Quốc – Kiên Giang từ năm 1956 đến năm 1977 (22 năm) so sánh với quãng thời gian 27 năm sau đó (1977-2003) thì nhiệt độ trung bình đã tăng lên 0,4oC”, kỹ sư Nguyễn Văn Hạnh, dự báo viên khí tượng của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang nói.

Theo các nhà khoa học, chuyện trái đất nóng lên thực ra đang xảy ra trên toàn thế giới. Các số liệu thống kê về trung bình nhiệt độ thế giới cho biết trong 600 năm gần đây nhất thì nhiệt độ chỉ bắt đầu tăng dần lên trong hơn 1 thế kỷ qua, tức là bắt đầu vào những năm 1900, cùng thời điểm của các cuộc cách mạng công nghiệp. Và càng ngày, càng nhiều nhà khoa học trên thế giới tin chắc rằng trái đất đang nóng lên là do con người gây ra.

 
Cảnh ngập nước tại tỉnh An Giang thường thấy trong mùa lũ. (Ảnh: Mai Hải).

Mặc dù chỉ nóng lên một vài độ C, nhưng sự thay đổi nhiệt độ này, theo các nhà khoa học, đã làm băng tan ở Bắc cực, làm nước biển nở ra vì nóng lên… dẫn đến việc nước biển dâng lên làm ngập nhiều nơi trên thế giới. Trong số các nơi bị ảnh hưởng do nước biển dâng, theo Ủy ban Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng thứ 2 thế giới, chỉ sau Bangladesh.

Không chỉ có thế, theo tiến sĩ Hoàng Minh Hiền – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý phòng chống – giảm nhẹ thiên tai (Bộ NN-PTNT), khi trái đất nóng lên, Việt Nam còn phải gánh chịu một tai họa khác, bên cạnh việc nước biển dâng. “Băng đang tan ở đỉnh núi Himalaya và ĐBSCL sẽ là nơi hứng chịu mực nước ấy. Khi đó, theo dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu, ĐBSCL sẽ phải hứng chịu thiên tai rất nhiều”, tiến sĩ Hiền nói.

Là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, nước 10 năm nay liên tục xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới, nhưng những cảnh báo của các nhà khoa học đang gióng lên một hồi chuông báo động về diện tích đất canh tác có khả năng bị thu hẹp và những biến đổi bất thường của khí hậu mà mảnh đất này có thể phải gặp phải. Phải làm gì để cứu Hòn Đất nói riêng và cả vựa lúa ĐBSCL nói chung, khỏi cơ nguy đó?