Bắc Kạn: Đào vàng náo động khu bảo tồn thiên nhiên

Khu bảo tồn Kim Hỷ (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn), nơi lưu giữ nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, hàng trăm xe, máy khai thác vàng gầm rú ngày đêm. Nước từ các giếng khoan giữa rừng được bơm hết công suất để rửa, đãi quặng.

Giữa tháng 12/2007, tại khu vực Tốc Lủ – vùng lõi khu Khu bảo tồn Kim Hỷ, có tới hàng nghìn người (cả Việt Nam và Trung Quốc) đang hối hả đào bới bên cả trăm xe máy và các phương tiện sàng, tuyển gầm rú inh tai, nhức óc. Trên các mỏm đồi, đất đá bị cày xới xả bụi tung trời. Dưới thung lũng, nước tuôn ra từ khu kiểm tra sàng, tuyển, đặc sền sệt, đỏ ngàu bùn đất, pha lẫn dầu nhớt bốc mùi khó chịu. Đây là điểm khai thác vàng duy nhất được cấp phép hoạt động trong vùng lõi Khu bảo tồn Kim Hỷ. Tháng 05/2005, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phép cho Công ty Cổ phần Tấn Thành vào Tốc Lủ khai thác vàng, trên diện tích 17,5 ha.

Ngay sau khi có quyết định cấp mỏ, đã có nhiều ý kiến phản đối. Vì vậy, mãi đến cuối tháng 06/2006 Tấn Thành mới bắt đầu hoạt động khai thác vàng với phương châm “không xâm hại rừng”. Ngoài điểm khai thác vàng “có phép” nói trên, theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn, trong Khu bảo tồn Kim Hỷ còn hơn 10 điểm khai thác vàng trái phép như: Lũng Quang, Lũng Lương, Lũng Môn, Lũng Chủ, Xạ Hang, Nặm Đẩy, Slam lái…; chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng chưa giải toả được.

Theo người dân địa phương, trước đây nhiều năm, Khu bảo tồn Kim Hỷ luôn là điểm “nóng” môi trường và trật tự an toàn xã hội, khi nhiều mỏ khai thác vàng được mở ra, dân tứ xứ đổ về làm ăn với hy vọng đổi đời. Đến tháng 12/1997, trật tự Kim Hỷ được lập lại, cây rừng, muông thú hồi sinh, sau khi địa phương quét sạch các tụ điểm khai thác vàng trái phép theo chỉ thị 881/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, từ năm 2006, rừng lại ồn ào tiếng xe, máy, bị rút dần nước mặt cho các giếng khoan đào đãi vàng. Sau mỗi năm, quy mô và cường độ khai thác lại lớn hơn.

Theo các nhà khoa học, tiếng ồn có thể không ảnh hưởng đến thực vật, nhưng rất ảnh hưởng và có tác động xấu đến việc cư trú ổn định, sự sinh tồn phát triển của chúng. Chưa kể, mỏ Tốc Lủ là điểm trũng, giếng khoan nơi đây (với máy bơm hoạt động hết công suất suốt ngày đêm) có thể gây nguy cơ làm tụt nước mặt ở các khu vực xung quanh. Khi mực nước ngầm tụt giảm, chắc chắn sẽ gây khô hạn cho các khu vực liền kề, và như vậy, thảm thực vật và động vật sẽ thiếu nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của muôn loài đang cư ngụ tại đây.

Chưa thể dừng khai thác vàng trong khu bảo tồn

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Ngọc Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, khẳng định: “Điểm khai thác vàng Tốc Lủ đúng là nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, được UBND tỉnh cấp phép. Hiện tại, Công ty Cổ phần Tấn Thành và một số dân tự do đang hoạt động khai thác”.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi “Liệu có ảnh hưởng khu bảo tồn và hướng giải quyết của tỉnh”, ông Đường cho biết: “Trước mắt chưa thể dừng khai thác bởi việc này rất phức tạp vì liên quan đến quyết định cấp phép. Lãnh đạo tỉnh sẽ kiên quyết chỉ đạo không được mở rộng phạm vi khai thác”.

Về phía Công ty Cổ phần Tấn Thành, ông Nguyễn Đức Yên, PGĐ công ty cho biết: “Chúng tôi biết công ty đang hoạt động khai thác tại khu bảo tồn, là khu vực cấm nghiêm ngặt nên Ban Giám đốc Công ty đã kí cam kết với huyện và khu bảo tồn thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng”.

Còn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Nông Xuân Lanh thì phàn nàn: “Hạt Kiểm lâm chỉ có 11 kiểm lâm viên, bố trí ở 5 trạm, quản lý hơn 14.000ha (trung bình mỗi người quản lí trên 1 000ha) nên việc quản lý bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn do số người hoạt động tại khu vực này quá đông, không thể bao quát hết được. Hơn nữa, dù kiểm lâm có cố gắng đến đâu đi nữa thì cũng chỉ có thể ngăn chặn được việc phá rừng, còn tiếng ồn làm sao mà ngăn được, cũng chính do tiếng ồn quá mức này đã gây sự mất ổn định cho các loài động vật ở đây”.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rộng 14.772ha, là nơi lưu giữ được hiện trạng nguyên sơ của thiên nhiên kỳ thú cùng với những giá trị sinh học phong phú, đa dạng. Khu bảo tồn này được các nhà môi trường trong nước và thế giới đánh giá cao; là nơi còn bảo tồn được những loài động, thực vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng toàn cầu như loài voọc má trắng, sóc, khỉ; nhất là loài dơi (được coi là đa dạng thành phần cao nhất Việt Nam).

Kim Hỷ còn là nơi lưu giữ một số nguồn gien quý hiếm của các loại thực vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như cây thiết san giả hay còn gọi là thông đá mà trên thế giới hiện nay còn sót lại ở 4 tỉnh miền núi phía Bắc nước ta và 2 tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Ngoài động thực vật, khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ còn giàu về tài nguyên khoáng sản, nhất là vàng.

Theo điều 20, chương 3, Nghị định 160-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản: “cấm hoạt động khoáng sản tại các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực bảo tồn địa chất”. Quyết định 168/QĐ-CP ngày 14/8/2006 cuả Thủ tướng Chính phủ quy định về quản lí, bảo vệ rừng tại chương 2, điều 18 cũng nêu rõ: “Trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nghiêm cấm những hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã hoặc loài được bảo tồn. Cấm khai thác các tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác, gây ô nhiễm môi trường, mang các chất độc hại, chất nổ, chất dễ cháy vào rừng”.