Không chỉ là làng thịt chó nổi tiếng, thôn Cao Hạ, xã Đức Giang (Hoài Đức – Hà Tây) còn là "nơi cung cấp" bún cho Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Mỗi ngày, hàng trăm tạ bún được chuyển vào thành phố khiến thu nhập người dân tăng đáng kể. Tuy nhiên, đi cùng với tiếng tăm của làng nghề là tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí ngày càng trầm trọng…
“Thiên đường” ruồi, muỗi
Không phải ngẫu nhiên mà thôn Cao Hạ được mệnh danh là “thiên đường” của ruồi muỗi, bởi vừa tới đầu thôn, đã ngửi thấy mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ con mương nhỏ ngay đầu làng. Dòng nước đen sì, đặc quánh vì rác rưởi, lá dong, lá chuối, túi nylon, xương động vật… “Đầu nguồn” của mương là hệ thống cống thoát nước chằng chịt cũng đang trong tình trạng… bốc mùi.
Đến nhà anh Trịnh Văn Mậu, một trong những hộ làm bún lớn nhất thôn để “mục sở thị” các công đoạn làm bún. Nếu không có lời giới thiệu của bà Mùi, người cùng thôn, có lẽ không thể biết thứ bột màu xanh đục, lẫn trong đó những cọng lá còn nguyên rễ đang tuôn ra từ chiếc máy xay han gỉ lại là nguyên liệu “hảo hạng” để làm bánh khúc!
Bà Mùi cho biết, ngoài làm bún, nhà anh Mậu còn làm nghề xay bột bánh cho bà con trong thôn, mỗi ngày xay khoảng 1 tạ bột. Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, lượng bột nghiền lên đến 2 – 3 tạ.
Anh Mậu và chiếc máy nghiền bột làm bánh khúc. |
Vừa xem anh Mậu nghiền bột, vừa phải xua tay đuổi ruồi vì “hang ổ” của loài côn trùng này nằm ở dãy chuồng lợn 30 con ngay đầu cổng, lại không có hầm biôga xử lý phân và nước thải. Điều đáng nói là dãy chuồng lợn chỉ cách máy nghiền bột khoảng… 5m. Sân chỉ rộng chừng 35 – 40m2 nhưng được anh Mậu tận dụng hết mức để xây chuồng lợn, chuồng gà, chất than củi, chum vại, gạo và bột làm bún, bể chứa nước… Khi nói về chủ trương xây dựng trang trại chăn nuôi, đưa chuồng lợn ra cánh đồng để tránh ô nhiễm, anh khoát tay nói: “Ôi dào, cả làng ai cũng làm thế, tự dưng bây giờ nuôi lợn ngoài đồng thì ai trông?”…
Đề nghị anh dẫn đi tìm hiểu nghề làm bún thì anh chỉ tay ra căn bếp phía trái nhà bảo: “Đấy, các cậu cứ vào đó xem, nhà tôi đang nghiền bột nên cứ tự nhiên”. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, vợ anh Mậu đang gò lưng đổ nước từ thùng ngâm bột ra rãnh thoát nước, cạnh đó là gần chục thùng bột đang đóng váng từng lớp trên mặt. Vì không có vung, nắp che đậy nên căn bếp bốc mùi gạo chua loét, từng đàn ruồi nhặng hoảng hốt bay vù lên.
Vừa dùng tay cọ rửa những thùng bột cáu bẩn, bàn tay chị vợ lại thoăn thoắt bốc bún xếp vào thúng, cứ một lớp lá dong là một lớp bún, khi bún đầy lên miệng thúng, chị dùng bao tải dứa (vốn là tải dùng để đựng phân đạm) bịt kín. Chị cho biết: “Nhà tôi đã mấy đời làm bún, nghiền bột. Vì thế bún của gia đình nổi tiếng sợi nhỏ, dẻo thơm và trắng. Ngày chưa có điện thì làm bằng tay, nay làm máy nên sản lượng bún đạt khoảng 1,5 tạ/ngày. Nước ngâm gạo, bột chua, bún ế để nuôi lợn rất chóng lớn nên hầu như nhà nào làm bún cũng có vài chục con lợn”.
Và những hệ luỵ…
Theo tìm hiểu, thôn Cao Hạ hiện có hơn 50 hộ kinh doanh thì có tới 25 hộ làm bún. Trung bình, thôn cung cấp khoảng 300 tạ bún/ngày, vào lúc cao điểm (mùa cưới, ngày lễ, Tết) có thể lên tới 500 – 600 tạ bún/ngày. Mặc dù công tác tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh môi trường thường xuyên được địa phương triển khai, thậm chí gần đây bà con còn thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, phun thuốc và rải vôi bột… nhưng thực chất là chỉ làm lấy lệ, đối phó.
Điều ngạc nhiên, là sau khi khơi thông cống rãnh, bùn và rác thải không biết đổ đi đâu nên người dân lại chất thành đống trên đường. Sau mỗi buổi chợ, bà con tiếp tục tập kết lông gà, lông chó, túi nylon, phế thải từ nông sản… ra con mương đầu làng nên rác cứ ùn lên theo thời gian, ruồi muỗi có thêm cơ hội sinh sôi nảy nở. Bãi rác này chỉ ngăn cách với nhà dân bằng con đường bê tông rộng chưa đầy 3m.
Theo thông tin của một cán bộ thuộc Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Bộ Y Tế), trong đợt kiểm tra tình hình dịch tả tháng 11/2007, cả huyện Hoài Đức có 5 ca mắc bệnh tả thì riêng xã Đức Giang “chiếm” 2 ca, ngoài ra còn có 65 ca mắc tiêu chảy, chủ yếu thuộc thôn Cao Hạ.
Giải thích về nguyên nhân của tình trạng này, bà Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho rằng: “Xã Đức Giang có nhiều người mắc tiêu chảy là do môi trường ứ đọng quá nhiều chất thải rắn sinh hoạt, bán hàng rong nhiều, chưa có thói quen sử dụng găng tay khi bán thực phẩm, số người tuân thủ các quy định sản xuất thực phẩm an toàn chỉ đếm trên đầu ngón tay…”.
Y sĩ Lê Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Y tế xã than thở: “Bình thường, con mương đầu làng bẩn thỉu, tắc thường xuyên đã là một vấn đề bức xúc của nhiều người. Vào mùa dịch bệnh, nguồn nước mương chính là mối hiểm hoạ lớn. Bởi ở thôn Cao Hạ, hầu hết bà con dùng giếng khơi. Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước giếng do nhiễm khuẩn từ nguồn nước ngầm là rất cao”.
Hiện, chính quyền xã đã thành lập đội vệ sinh môi trường, gồm 3 người, hàng ngày chuyên khơi thông cống rãnh, gom rác thải, phơi khô rác rồi đốt tập trung. Tuy nhiên, do lượng rác quá nhiều nên buổi sáng vừa dọn xong, buổi chiều lại đâu vào đấy.
Nếu chính quyền địa phương không nhanh chóng nâng cao ý thức tự bảo vệ môi trường cho bà con, bổ sung lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường, tiến hành xây dựng khu trang trại chăn nuôi xa nơi ở… thì thôn Cao Hạ khó có thể lấy lại cảnh quan môi trường vốn có.