Phát triển thuỷ sản có vai trò quan trọng trong chiến lược biển đảo của đất nước ta. Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá chỉ rõ: "Phấn đấu đến năm 2010, Hải Phòng thực sự là trung tâm thuỷ sản vùng Duyên hải Bắc bộ". Tuy nhiên, để khẳng định vai trò như tinh thần Nghị quyết, bài toán đầu tư cho ngành thuỷ sản vẫn đang chờ một lời giải.
Đầu tư ít và kém hiệu quả
Trong năm 2007, có 12 dự án đầu tư phát triển lĩnh vực thủy sản với tổng số vốn 25,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư 1 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 10 tỷ đồng cho chương trình 224 và chương trình 112, vốn chương trình Biển đông hải đảo khoảng 14,4 tỷ đồng…
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ với 1 tỷ đồng từ ngân sách thành phố trong tổng số hơn 25 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực thủy sản là quá ít, chưa tương xứng vai trò, mục tiêu phát triển thuỷ sản trong những năm tới. Vì vậy, xảy ra tình trạng dự án nào tranh thủ được nguồn vốn trung ương mới có khả năng triển khai “tới nơi, tới chốn”. Những dự án trông đợi vào ngân sách thành phố đều gặp khó khăn khi nguồn vốn đã ít ỏi, lại cấp theo kiểu “rải mành mành” không khác gì “muối bỏ biển”.
Cụ thể, hàng loạt dự án xây dựng hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn thành phố triển khai với tiến độ trì trệ, trong đó có tới 4 dự án bị đề nghị dừng đầu tư, do không thực hiện được mục tiêu. Ông Đào Viết Thuận, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản cho biết, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án do gặp khó khăn về vốn, một số dự án nằm trong khu vực quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng cho các lĩnh vực phát triển kinh tế khác.
Trong khai thác thủy sản, vai trò đầu tư của Nhà nước thể hiện trên một số lĩnh vực như đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Bạch Long Vỹ, Cát Bà, Đồ Sơn…, gần đây là sự hỗ trợ ngư dân trong thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá Việt Nam-Trung Quốc, các hỗ trợ cụ thể về đăng ký, đăng kiểm, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc.Tuy nhiên, sản lượng khai thác thủy sản tăng chậm, do giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao gây nhiều khó khăn cho ngư dân. Một số tàu cá nằm bờ, tàu vươn khơi trở về khai thác gần bờgiảm hiệu quả sản xuất, làm cho tình trạng thiếu nguyên liệu thủy sản ngày càng trầm trọng.
Cần bảo đảm về quy hoạch
Ban Thường vụ Thành uỷ Hải Phòng có Nghị quyết số 16 về “Phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 1999-2006, phương hướng nhiệm vụ 2006-2010, định hướng 2020”. Có tất cả 8 chương trình, 7 đề án, 68 dự án phát triển thuỷ sản trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá…Nghị quyết như “kim chỉ nam” cho tương lai phát triển thuỷ sản thành phố.
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết chỉ rõ: Trên lĩnh vực đầu tư, “một số cơ chế, chính sách chậm đổi mới để phù hợp đặc thù nghề cá như cơ chế giao đất, mặt nước với thời gian quá ngắn, mỗi địa phương lại có cơ chế khác nhau nên những người nuôi trồng thuỷ sản không dám bỏ vốn đầu tư chiều sâu để có năng suất cao. Hầu hết các chương trình phát triển kinh tế thuỷ sản do Chính phủ đề ra (chương trình 224, 773, Chương trình hỗ trợ giống thuỷ sản, hỗ trợ chế biến thủy sản xuất khẩu…), chủ yếu trồng chờ vào vốn Trung ương cấp, vốn ngân sách địa phương còn hạn chế.
Các nguồn vốn được cấp hạn hẹp, bố trí hết sức dàn trải nên hầu hết các dự án không kết thúc đúng theo tiến độ đề ra. Công tác quản lý đầu tư phát triển ngành thủy sản nhiều hạn chế. Do thiếu cơ chế và môi trường đầu tư hấp dẫn nên dù có tiềm năng lớn, Hải Phòng chưa thu hút được những nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển kinh tế thuỷ sản”.
Đầu tư phát triển thuỷ sản cần theo hướng nào, tập trung vào đâu? Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, mọi sự đầu tư của Nhà nước cần được tính toán kỹ, phù hợp quy định. Hạn chế việc ngân sách đầu tư cho các dự án cụ thể, đó là việc của các doanh nghiệp, các cá nhân, tập thể có năng lực. Nhà nước cần tạo ra môi trường thuận lợi cho lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân có thể huy động nguồn vốn đầu tư vào những lĩnh vực đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà nước, thành phố xây dựng cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động thuỷ sản, cơ chế giúp doanh nghiệp, cá nhân, tập thể vay vốn thuận lợi, chắp mối tìm kiếm thị trường, quảng bá, mở rộng diện xúc tiến thương mại, tập trung vào công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, xây dựng hệ thống quản lý, kiểm định chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản hoàn thiện…,cùng hệ thống hỗ trợ khi rủi ro.
Vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch thuỷ sản có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực đầu tư. Đầu tư thuỷ sản nhiều rủi ro, nhất là lĩnh vực nuôi trồng nên nhà đầu tư chỉ thật sự yên tâm rót vốn khi họ được bảo đảm về quy hoạch. Cần hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng các dự án đầu tư phát triển thuỷ sản luôn bị “lép vế” và bị ngừng triển khai để phục vụ các dự án khác. Trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu, thành phố cần có những dự báo sát và xa về nhu cầu thị trường, tính cân đối giữa các lĩnh vực, chênh lệch giữa cung và cầu để doanh nghiệp có căn cứ đầu tư hiệu quả./.