Từ khi cá cơm khô được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), xã Mỹ An (Phù Mỹ – Bình Định) đã trở thành thành làng nghề chuyên làm cá cơm xuất khẩu, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương, góp phần làm cho bức tranh kinh tế của vùng quê miền biển khởi sắc. Thế nhưng, vấn nạn ô nhiễm môi trường cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Nguy cơ ô nhiễm “lộ diện”
Làng nghề chế biến cá cơm xuất khẩu ở xã Mỹ An được hình thành khoảng 10 năm nay. Từ một vài hộ làm nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, xã có 37 cơ sở sản xuất thu hút gần 1.000 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Riêng thôn Xuân Bình có đến 17 cơ sở chế biến với sản lượng tiêu thụ hàng năm trên 300 tấn cá cơm tươi các loại.
Nghề chế biến cá cơm xuất khẩu đã làm “đổi đời” cho nhiều hộ dân nơi đây. Chị Hồ Thị Mai tâm sự: “Trước đây gia đình tôi thuộc diện đói nghèo, kinh tế chỉ trông chờ vào gánh cá vụn. Mỗi chuyến ra biển mua cá, thấy những con cá cơm rơi vãi trên thuyền, tôi nghĩ đến chuyện thu mua chúng về phơi khô, bán cho bà con trong vùng làm thức ăn nuôi heo. Sau một thời gian, công việc này đã cho tôi một số vốn kha khá, tôi mở lò sản xuất cá cơm khô. Đến năm 2000 gia đình tôi đã phát triển được 6 lò…”.
Sự phát triển của nghề chế biến cá cơm đã nhanh chóng làm cho làng nghề “phình” ra, quy mô sản xuất của các cơ sở ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, do phát triển tự phát không theo quy hoạch nên làng nghề đã nảy sinh vấn nạn ô nhiễm môi trường.
Dạo một vòng quanh làng, nhận thấy hầu hết các cơ sở chế biến ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải. Các hộ xả chất thải trực tiếp ra cống rãnh chung quanh. Mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; mùa mưa, nước bẩn theo các con mương tràn vào khu dân cư. Điều khiến người dân ở đây lo ngại nhất là lượng nước bẩn này sau thời gian dài đã thấm vào lòng đất, đe doạ nguồn nước sinh hoạt của bà con.
Hiện nay, nhiều giếng nước trong vùng đã không còn sử dụng được vì bị nhiễm mặn, nổi váng vàng, thậm chí có giếng bốc mùi hôi. Bà Hồ Thị Mai ở thôn Xuân Bình, một trong những người “khai sinh” làng nghề thừa nhận: “Tình trạng ô nhiễm thời gian đầu có thể chưa nhận ra nhưng càng về sau càng lộ rõ. Giếng nước nhà tôi và các nhà lân cận đều không dùng được do bị nhiễm nước thải”.
Giải pháp nào?
Không chỉ người sản xuất gặp khó khăn trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường mà chính quyền địa phương cũng “bó tay” trước vấn nạn này. Ông Nguyễn Trọng Yến, Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: “Chế biến cá cơm là nghề thế mạnh của địa phương nên việc bà con tham gia mở rộng quy mô sản xuất là điều đáng mừng. Tuy nhiên, do phát triển phân tán trong khu dân cư nên vấn đề xử lý môi trường rất khó khăn. Giải pháp khả thi nhất hiện nay là di chuyển các cơ sở sản xuất về một khu tập trung, thế nhưng với khả năng của xã thì giải pháp này không khả thi”.
Ông Đinh Văn Tiên, Phó giám đốc Sở Thuỷ sản Bình Định khẳng định: “Quy hoạch làng nghề Mỹ An là việc làm cấp bách vì tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây đã quá nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của chính cơ sở sản xuất do chất lượng vệ sinh của sản phẩm không đảm bảo, người tiêu dùng sẽ “dè chừng” hơn”.
Cách đây 3 năm, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt dự án quy hoạch làng nghề sơ chế cá cơm xuất khẩu ở xã Mỹ An do Sở Thuỷ sản đề xuất với tổng vốn đầu tư 825 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay khu sản xuất tập trung này chỉ mới được san ủi mặt bằng và xây dựng đường giao thông cơ bản, hệ thống cấp thoát nước chưa triển khai xây dựng vì…thiếu vốn.
Ông Huỳnh Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các hạng mục: hệ thống xử lý nước thải, giao thông, hệ thống chiếu sáng và tiến hành phân lô giao cho các hộ sản xuất để bà con xây dựng nhà xưởng. Như vậy, khi di dời, các hộ phải tự xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống điện nước. Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều chủ cơ sở sản xuất đã… lắc đầu!
Chị Nguyễn Thị Quyên, chủ một cơ sở sản xuất cá cơm ở thôn Xuân Bình bộc bạch: “Để xây dựng cơ sở mới tại khu quy hoạch gia đình tôi phải đầu tư 40 – 50 triệu đồng, trong khi đó nghề này cần nguồn vốn lưu động khá lớn để ứng trước cho các chủ thuyền đánh bắt. Hiện, chúng tôi phải vay “nóng” để đảm bảo hoạt động nên rất khó khăn trong việc di dời”.