Thiếu vốn, đội ngũ chuyên gia công nghệ môi trường vừa yếu vừa thiếu, chế tài chuyển giao công nghệ mới chưa hoàn thiện, …khiến cho Việt Nam chưa có được một thị trường công nghệ môi trường nội địa rõ rệt dù nhu cầu thực tế rất lớn.
Vừa yếu vừa thiếu
Hầu hết các chuyên gia có mặt tại Hội thảo Quốc gia về Phát triển Ngành Công nghiệp Môi trường Việt Nam được tổ chức vào ngày 28/02, tại Hà Nội, đều thừa nhận, nhu cầu về công nghệ môi trường ở nước ta rất lớn. Hiện, nước ta có 2271 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo kết quả đánh giá của 18 ngành và lĩnh vực kinh tế cho thấy, nhu cầu đầu tư bảo vệ môi trường lên tới 120.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 7,6 tỷ USD).
Nhu cầu lớn như vậy, tuy nhiên, vẫn theo các chuyên gia, tới giờ chúng ta vẫn chưa có nổi một thị trường công nghệ môi trường nội địa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Ông Lê Minh Đức, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết, nguyên nhân của việc chưa hình thành được thị trường là do chúng ta thiếu vốn, thiếu những sản phẩm có thương hiệu để bán.
Ngoài ra, đội ngũ chuyên gia phục vụ trong lĩnh vực này (đặc biệt là chuyên gia trẻ) vừa yếu vừa thiếu, các chế tài chuyển giao công nghệ mới vẫn chưa được hoàn thiện cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành công nghệ môi trường ở Việt Nam.
Ông Đức cho biết, cho đến nay, ngành công nghiệp môi trường chưa hình thành một tổ chức quản lý chuyên ngành như bộ, tổng công ty riêng biệt như một ngành công nghiệp khác.
“Do chưa hoàn chỉnh về bộ máy quản lý nên chúng ta cũng chưa có sự quan tâm đến nguồn lực con người và năng lực công nghệ”, ông Đức nhấn mạnh, “Tới giờ, chúng ta mới có chuyên gia với năng lực công nghệ trong lĩnh vực xử lý nước thải, trong khi đó các lĩnh vực xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, xử lý khí thải và quản lý tài nguyên còn thiếu cả năng lực lẫn con người”.
Thành lập hiệp hội công nghiệp môi trường
Vẫn tại hội thảo, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy thúc đẩy ngành công nghiệp môi trường Việt Nam “cất cánh”.
Ông Đức cho rằng, ngành công nghiệp môi trường muốn vươn xa cần phải nhận được sự tăng cường sự đầu tư từ phía chính phủ, thực hiện các giải pháp kích cung, kích cầu, đào tạo nguồn lực và hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư phát triển các lĩnh vực môi trường.
Ông Nguyễn Huy Hoàn, Vụ Khoa học&Công nghệ, Bộ Công thương nhấn mạnh, bên cạnh các giải pháp trên, Việt Nam cần sớm thành lập Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam.
Mục đích của hiệp hội là thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong việc xây dựng ngành công nghiệp môi trường phát triển ổn định.