Trong rất nhiều phong tục, tập quán liên quan đến rừng, người Mường có tục ngày xuân đoán lá cây rừng. Tục này không biết có từ bao giờ, nhưng cứ vào khoảng 27/12 âm lịch hàng năm là bà con người Mường coi đây là ngày “đóng cửa rừng”.
Từ ngày đóng cửa rừng cho đến ngày mở cửa rừng (quãng từ mồng 7 – 15 tháng Giêng) tuỳ theo thầy mo chọn được ngày tốt thì làm lễ mở cửa rừng (còn gọi là lễ “Toọc moong”, tức lễ đuổi hổ báo). Họ quan niệm rằng, khi chưa làm lễ mở cửa rừng mà tự tiện vào rừng thì rất dễ gặp rủi ro như: bị ma rừng bắt hồn, bị rắn rết cắn, hổ báo ăn thịt… Có thể do vào những ngày này rừng thường yên ắng, thú dữ mò về nhiều dễ gây họa cho con người nên mới có sự suy diễn như vậy.
Trong ngày lễ mở cửa rừng, bà con trong mường tụ tập lại một khu đất trong rừng để làm lễ. Khi thầy mo làm lễ xong, trai tráng khỏe mạnh thúc chó vào rừng săn thú; đàn ông, đàn bà luống tuổi cùng các cô gái tỏa đi hái rau, hái nấm. Trong khi hái rau hái nấm, người già sẽ hái thêm nhiều loại lá cây bỏ vào giỏ mang về (chủ yếu là lá cây gỗ quý, lá thuốc và lá rau rừng).
Khi săn được thú, mọi người mừng vui khiêng thú về mường. Thịt thú rừng được tổ chức ăn cùng một chỗ để làm lễ khai xuân. Ban đêm khi tiệc đã tàn, bà con cùng vui múa hát, nghe kể sử thi “Mo Mường”, trong đó có cả trò đoán lá cây. Lá cây được ông trưởng họ, trưởng bản hoặc ông mo mường xếp kín trong chiếc giỏ to. Người đoán lá chỉ là trai gái chưa vợ chưa chồng, còn trọng tài là các vị trưởng lão. Mỗi lá cây được đưa ra đố, trai gái thi nhau trả lời. Ai đoán được nhiều loại lá nhất, có khi được mường thưởng cho cả một chiếc vòng tay bằng bạc.
Thú vị nhất là khi đoán đúng tên lá cây, các cụ thường hỏi: Cây này dùng để làm gì? Nếu trả lời: “Để làm cột nhà ạ!”, các cụ sẽ bảo cho cách chọn mùa đốn gỗ, cách ngâm và chỉ cho biết áng rừng nào nhiều loại gỗ này. Trong trường hợp đoán được lá cây thuốc thì các cụ lại hỏi: Thuốc chữa bệnh gì? Thanh niên trả lời đúng thì các cụ lại phân tích cho biết thêm cách phối hợp với các loại dược liệu khác để tạo nên nhiều bài thuốc hay. Nếu đoán những loại lá có tác dụng làm thức ăn, các cụ sẽ phân tích, hướng dẫn cách chế biến và cho biết trường hợp nào thì kiêng không được ăn hoặc kiêng nấu với thứ gì sẽ gây thành độc tố…
Mỗi đêm như thế có thể đoán tới hàng trăm loại lá khác nhau và mùa xuân có thể tổ chức nhiều lần đoán lá. Có nhiều loại lá con trẻ không biết thì các cụ già sẽ chỉ bảo tận tình để con cháu “biết nhận mặt lá”. Có lẽ vì tục đoán lá này mà người Mường đời này qua đời khác rất giỏi về ẩm thực khi khai thác rau quả tự nhiên, giỏi về các bài thuốc nam, giỏi tìm kiếm các loại gỗ quý.
Người giỏi thuốc nam luôn được trọng nể trong cộng đồng người Mường. Thầy lang người Mường xưa chữa bệnh không lấy tiền. Khi ai đó nhờ chữa mà khỏi bệnh thì lễ vật trả thế nào tuỳ tâm. Người bệnh trọng mà chữa khỏi thường nhận thầy lang là cha mẹ nuôi hoặc anh em kết nghĩa “sống tết, chết giỗ”. Có những thầy lang khi tết đến, con nuôi, con mày về mỗi người biếu một con gà hay con vịt mà đầy hết cả chuồng. Nhưng có lẽ điều hạnh phúc nhất với họ chính là uy tín cá nhân trong việc làm phúc cho cộng đồng.
Đối với những người giỏi gỗ rừng thì ai trong mường chuẩn bị làm nhà cũng muốn mang lễ to đến nhờ họ làm trùm phường đi tìm hộ gỗ quý. Bởi lẽ, nếu tìm được gỗ quý thì gia chủ mới có được những ngôi nhà sàn đẹp ở hàng trăm năm không hỏng. Biết mặt gỗ quý có khi sẽ lấy được gỗ ở rất gần, không tốn công sức…
Bên cạnh những ý nghĩa thiết thực với cuộc sống của lễ tục này, quy định đối tượng tham gia đoán lá chỉ là trai gái chưa vợ chưa chồng, đây còn là cơ hội cho trai mường, gái bản đến với nhau. Trong đêm đoán lá, nhiều chàng trai cô gái vì mến tài nhau mà nên vợ nên chồng. Bởi vậy, tục đoán lá luôn là một sự kiện quan trọng được trai gái Mường háo hức đón chờ mỗi độ xuân về.
Ngày nay do những biến đổi cuộc sống đã khiến cho tục đoán lá cây rừng trong ngày xuân cũng đang mai một dần ở nhiều nơi. Dẫu vậy, tết đến xuân về cũng xin được nhắc lại đôi nét về tục xưa nếp cũ, để ta hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa dân gian trong đời sống của người Mường xưa kia