ThienNhien.Net – Ủy ban liên chính phủ của LHQ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã từng ước tính phát thải do ngành hàng hải đạt mức tối đa là 400 triệu tấn CO2/năm. Tuy nhiên dự thảo báo cáo mới đây của một nhóm các nhà khoa học quốc tế dựa trên dữ liệu thu thập từ các ngành dầu mỏ và ngành hàng hải của Ủy ban Hàng hải Quốc tế (IMO) lại cho thấy mức phát thải gây biến đổi khí hậu của hoạt động ngành hàng hải trên thực tế cao gần gấp ba lần số liệu được biết trước đấy: đạt mức 1,12 tỷ tấn CO2/năm, chiếm gần 4,5% mức phát thải tất cả các khí nhà kính chủ yếu toàn cầu.
Báo cáo này cho rằng phát thải từ ngành hàng hải – không được tính vào chỉ tiêu cần cắt giảm của châu Âu để kiềm chế sự biến đổi khí hậu – sẽ trở thành một trong những nguồn thải CO2 nhân tạo mới sau các hoạt động giao thông đường bộ, sinh hoạt, nông nghiệp và công nghiệp. Ngành hàng không hiện được xem là đối tượng chịu áp lực nặng nề trong việc giảm thiểu khí nhà kính. Tuy nhiên, con số 650 triệu tấn CO2 phát thải mỗi năm của ngành này cũng chỉ tương đương với hơn một nửa lượng phát thải từ hoạt động hàng hải.
Các số liệu tính toán mức độ phát thải cacbon của ngành hàng hải trước đây thường dựa trên lượng nhiên liệu sơ cấp do các chủ tàu mua. Tuy nhiên, các số liệu mới nhất của LHQ được xem là có độ chính xác cao hơn bởi nó được tính dựa trên kích thước động cơ của các tàu trên thế giới, thời gian lưu hành ngoài biển và lượng nhiên liệu sơ cấp bán cho các chủ tàu. Con số mới này không chỉ cho thấy phát thải tệ hơn nhiều so với lo ngại, mà còn cảnh báo lượng CO2 sắp tăng lên 30% vào năm 2020.
Ủy ban Châu Âu (EU) và một số quốc gia đã khăng khăng xem nhẹ tác động khí hậu của tàu biển. Họ khẳng định rằng nó chỉ nhỏ hơn 2% lượng phát thải toàn cầu và sai lầm khi bỏ qua chỉ tiêu này trong các ước tính quốc gia về phát thải CO2.
Trao đổi về nội dung của báo cáo, Tiến sĩ Rajendra Pachauri, Chủ tịch IPCC nói: “Đây là một sai lầm hệ thống. Ngành công nghiệp ngành hàng hải đã tránh khỏi việc công khai thông tin và bị đặt ngoài các tranh cãi về biến đổi khí hậu. Tôi hy vọng phát thải từ ngành hàng hải sẽ được nói đến trong các cam kết sắp tới của LHQ. Nếu không được quan tâm đúng mức chúng ta sẽ để lọt lưới một “tên tội phạm nguy hiểm” và mọi nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ trở nên vô nghĩa”.
Trong khi đó, các nhà khoa học mong đợi rằng áp lực ngày càng tăng đối với các chủ tàu sẽ buộc họ chuyển sang sử dụng các loại nhiên liệu tốt hơn và cũng khiến EU tính đến hoạt động ngành hàng hải trong các quy hoạch thương mại phát thải của họ.
Báo cáo của LHQ cũng cho thấy rằng các chất ô nhiễm khác do hoạt động ngành hàng hải đang gia tăng thậm chí nhanh hơn phát thải CO2. Phát thải lưu huỳnh và muội than, là nguyên nhân làm tăng ung thư phổi, mưa axit và các vấn đề hô hấp được cho rằng sẽ tăng hơn 30% trong vòng 12 năm tới.
Những vấn đề sức khỏe liên quan tới phát thải do hoạt động ngành hàng hải sẽ đặc biệt nghiêm trọng đối với Vương quốc Anh và các nước khác tiếp giáp eo biển Măng-sơ, một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới. Một nghiên cứu đồng tác giả gần đây về phát thải ngành hàng hải cho biết ngành này còn trực tiếp dẫn tới 60.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, bản thân ngành công nghiệp tàu biển cũng đã thực hiện các bước cắt giảm phát thải. “Số lượng tàu và giao thương thế giới vẫn tăng đều đặn nhưng cùng với đó người ta sử dụng các tàu quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn. Các tàu nhỏ lẻ đã dần dần giảm tiêu thụ nhiên liệu trong 20 năm qua. Một lít dầu trên một tàu chuyên chở cỡ lớn hiện đại vận chuyển được một tấn hàng hóa đi xa hơn 2.800 km, cao gấp đôi so với 20 năm trước”.
Chính phủ Anh cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ việc phát triển kế hoạch buôn bán phát thải toàn cầu thông qua IMO và đang nghiên cứu tính khả thi của việc tính đến phát thải hàng hải trong chương trình thương mại của EU. Đã đến lúc ngành công nghiệp ngành hàng hải phải nhận lấy “phần trách nhiệm” của mình trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.