Giữa dòng người chật như nêm cối đổ về chùa Hương (Hà Tây) suốt mùa xuân, có những người âm thầm với một nghề cực nhọc: gom rác. Họ mang riêng một thân phận, một công việc, một nỗi niềm.
Mơ thùng phuy biết nói
Tính cả các động, đội quân gom rác tại chùa Hương khá đông. Nhóm của Ánh năm anh em đều quê xã Hồng Tiến (Mỹ Đức, Hà Tây) đảm nhiệm gom rác tại động Hương Tích – một trong những nơi được coi là linh thiêng nhất. Mỗi ngày có tới ngót một vạn lượt khách tham quan.
Ánh thật thà: “Rác càng ngày càng “dã man”! Thôi thì “vô thiên lủng”, từ nhang cháy dở tới giấy tiền, đồ lễ, nilông. Nhưng kinh nhất vẫn là vỏ bánh kẹo, hoa quả, thức ăn do khách hành hương thản nhiên xả ra khắp hang động. Các động đều có thùng phuy chứa rác nhưng nếu có ai đó tự giác bỏ rác vào thùng thì quả là… “chuyện lạ Việt Nam”. Đôi lúc em mơ những thùng phuy này biết nói “cho tôi xin rác” như ở nước ngoài…”.
Hằng ngày họ phải chờ khách thải rác ra rồi nhặt bỏ vào thùng phuy, sau đó gánh ra nơi chứa rác cách cửa động ngót cây số. Trung bình cứ phải mươi, mười lăm hoặc vài chục chuyến rác mỗi ngày. Mà đường ra bãi rác đâu có đơn giản, phải leo lên xuống, qua 120 bậc đá.
Có hôm gánh qua những chỗ trơn, trượt, rác đổ tứ tung, đành ngậm ngùi gom lại. Những ngày khách đông quá, động chật như nêm thì phải chờ trời tối, dùng đèn pin nhặt rồi gánh rác ra… Suốt ngày giam mình trong không gian hang động khói hương mù mịt nên mặt ai cũng lem nhem.
“Cả tháng cật lực như thế được ban tổ chức lễ hội trả “lương” 600.000đ – Hùng, một thanh niên trong nhóm của Ánh – kể: “Hơi ít nhưng cứ mở mắt ra mỗi ngày có 20.000đ là khá rồi. Hơn nữa chúng em cũng “kiếm ăn” được từ rác. Có người bỏ lại nguyên bánh trái hoa quả chưa ăn nên đôi khi mấy anh em cũng được một bữa no…”.
Thêm gánh tiền thuê
Ngoài 600.000đ/tháng, cánh thợ gom rác trẻ ở chùa Hương còn có thêm thu nhập từ một nghề “độc nhất vô nhị”: gánh tiền thuê. Mọi người đến đây hầu như không ai tiếc tiền, tiếc lễ. Mỗi chùa có nhiều ban, với khá nhiều hòm bỏ tiền công đức khóa kín, vậy mà người ta vẫn còn đặt tiền lễ lên bàn thờ, cài lên từng pho tượng thánh và vẫn có một ban tiếp nhận công đức với dăm ba người mở sổ sách ghi tên khách hảo tâm đóng góp.
Tiền nhiều đến nỗi cứ 2-3 ngày ban tổ chức lại phải mở hòm công đức để gom vào bao và niêm phong đưa về trụ sở. Mỗi lần như thế đến 4-5 gánh, mỗi gánh nặng 30-35kg, không rõ bao nhiêu tiền.
Những lúc gánh tiền toàn vào ban đêm, khi du khách đã về cả. Những đôi chân trần vượt từng hang động, bậc đá hiểm trở qua quãng đường dài 8km. Thường thì gánh tiền ra đến nơi, nhận thù lao mỗi gánh 25.000 đồng.
Hùng bảo: “Cứ nghĩ đi nhặt rác, gánh tiền mang về quê giúp bố mẹ, vài năm nữa kinh tế khá được đi học nghề, mọi nhọc nhằn bay đi hết ngay”. Hùng nói và đưa mắt nhìn lên, vài giọt nắng chiều chui qua cái mũ nan rách lỗ chỗ làm gương mặt cậu sáng hơn…