Đã thành "thông lệ", cứ sau tết là các NM chế biến thuỷ sản ĐBSCL lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Thiếu nên giá thu mua bị đẩy lên dẫn tới giá xuất khẩu thuỷ sản tăng làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng thuỷ sản Việt Nam.
Thiếu tôm sú, cá tra…
Từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thủy sản Cà Mau chỉ hoạt động được chưa tới 30% công suất. Tình trạng này được dự báo là sẽ còn kéo dài tới đầu quý II năm nay. Nguyên nhân do nguồn tôm sú nguyên liệu trên địa bàn tỉnh bị thiếu hụt nghiêm trọng. Trong tháng 01/2008, giá tôm sú nguyên liệu tại Cà Mau lên tới mức 160.000đ/kg (loại 20 con/kg), và 104.000đ/kg (loại 30 con/kg) …
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT Cà Mau, hồi cuối năm 2007, những đợt triều cường dâng cao và ngập tràn trên diện rộng đã làm cho nhiều đầm tôm ở vùng ven biển của tỉnh này bị thất thoát tôm ra ngoài. Chẳng hạn, ở huyện Ngọc Hiển, nông dân đã bị thiệt hại tới 45% sản lượng sau các đợt triều cường. Ở các huyện khác như Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn …, tôm nuôi bị chết nhiều trong vụ vừa rồi cũng làm giảm đáng kể sản lượng thu hoạch. Mặt khác, thời điểm này, phần lớn các diện tích nuôi tôm ở Cà Mau đã thu hoạch xong, đang chuẩn bị vào vụ mới, nên sản lượng tôm còn trong dân là khá thấp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở Cà Mau cũng đang bị canh tranh gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu với các doanh nghiệp đến từ các tỉnh bạn. Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở thành phố Cà Mau, than thở “Từ trước tết đến giờ, chúng tôi hầu như chỉ hoạt động cầm chừng nhưng chúng tôi vẫn phải làm để giữ chân công nhân. Bởi nếu đóng cửa nhà máy một thời gian thì họ sẽ bỏ đi làm ở nơi khác hết”.
Không chỉ thiếu tôm, mà nhiều loại nguyên liệu thủy sản khác cũng đang bị thiếu hụt khá nhiều trong những tháng đầu năm này. Ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ …, do nhu cầu thu mua chế biến, xuất khẩu tăng cao, trong khi sản lượng hiện tại không nhiều do tỷ lệ nuôi bị hao hụt cao (50-60%), nên giá cá tra đang tăng liên tục. Đến giờ, giá ca tra thịt trắng đã đạt tới mức 14.800-15.000 đ/kg, cá tra thịt vàng 13.300 -13.700 đ/kg.
Nhập khẩu nguyên liệu
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 01/2008, tình hình chế biến thủy sản trong cả nước đạt thấp do nguyên liệu chế biến bị thiếu hụt khá nhiều. Nguyên nhân chính là do thời tiết không thuận lợi ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và thiếu hụt nguyên liệu từ nuôi trồng và khai thác thủy sản ở các tỉnh phía Nam.
Còn theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thì tình trạng này vốn đã kéo dài từ nhiều năm nay. Theo đó, cứ vào khoảng thời gian từ tháng 10 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau là các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản lại lao đao vì nguyên liệu tôm, cá … bị thiếu hụt nghiêm trọng. Riêng từ tháng 09/2007 đến nay, bình quân, mỗi nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được 40% công suất.
Để bù đắp cho nguồn nguyên liệu bị thiếu, từ đầu năm tới giờ, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã phải chạy đôn chạy đáo đi nhập khẩu nguyên liệu từ các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc … Đây là một hướng đi cần thiết, vì năng lực chế biến, cấp đông hiện nay của ngành thủy sản Việt Nam đã cao hơn nhiều so với sản lượng khai thác và nuôi trồng trong nước.
Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch VASEP cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải đẩy mạnh nhập khẩu các loại nguyên liệu như cá hồi, cá tuyết …, để gia công xuất khẩu. Còn theo tính toán của Bộ NN-PTNT, từ nay đến năm 2010, để đáp ứng đủ nhu cầu và năng lực chế biến xuất khẩu thủy sản, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản vào nước ta sẽ phải tăng từ 8-10%.