Tết Mậu Tý vừa đi qua, người dân Trung Quốc lại bắt đầu một chiến dịch diệt chuột. Chiến dịch được tung ra vào ngày 26/02 nhằm chuẩn bị một môi trường trong sạch cho Olympic Bắc Kinh 2008.
Trung Quốc nói không với chuột gây hại
Theo ông Đặng Tân Hồng, người phát ngôn Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh, chuột tại thành phố này đang đe dọa làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm như dịch hạch và sốt xuất huyết. Chiến dịch diệt chuột tập trung vào các địa điểm thi đấu, các cơ sở tập luyện trong vòng bán kính 1.000m xung quanh các cơ sở này.
Thuốc chuột sẽ được đặt ở các bệnh viện, khách sạn và nhà hàng phục vụ Olympic và cả những nơi khác như các căn hộ, đường ống ngầm, chợ nông sản, các nhà máy chế biến thực phẩm… Cơ quan y tế Bắc Kinh sẽ kiểm tra việc diệt chuột tại những địa điểm nói trên và phạt nếu không chấp hành tốt.
Những đợt lũ lớn vừa qua khiến cho chuột di cư từ đồng ruộng vào nhà ngày càng nhiều. Tại tỉnh Hồ Nam, trong đợt lũ năm 2007, dân ở đây đã tiêu diệt 90 tấn chuột vốn đã làm 1,6 triệu ha hoa màu thành rác khi chúng “di tản” tránh lụt.
Lũ chuột sinh sản cực nhanh trong mùa xuân khiến số lượng chúng tăng lên 2 tỷ con chỉ riêng tại tỉnh này. Được biết, chỉ riêng thiệt hại về nông nghiệp do chuột gây ra tại Trung Quốc trong năm qua lên đến hàng triệu USD.
Tại khu vực Tân Cương, Trung Quốc đã phải dùng máy bay để rải thuốc diệt chuột. Bên cạnh đó, chính quyền khu vực này cũng đã nghiêu cứu nuôi chim ó và cáo để diệt chuột. Hàng ngàn tổ chim ó cùng với hơn 200 con cáo đã được đưa tới các khu vực có nhiều chuột.
Kết quả dùng hai loại động vật này cho thấy hiệu quả đạt 70% và không gây hại môi trường. Trung Quốc cũng đã thành lập tuyến theo dõi và phòng chống bệnh dịch hạch. Nhiều nhà hàng tại Trung Quốc đang nói không với món chuột kể từ khi chuột “tràn đồng” trong đợt lũ 2007. Ngoài bệnh dịch hạch, Trung Quốc xếp chuột vào loại có khả năng lan truyền vi rút gây bệnh SARS.
London với loại bẫy chuột công nghệ cao
Dân số chuột hiện nay tại London (Anh) ước tính là 80 triệu con, tăng 39% so với năm 2000 và cao hơn gấp chục lần so với dân số thành phố này (dân số London hiện khoảng hơn 7,5 triệu người). Trận lụt lớn trong năm 2007 đã khiến chuột di cư từ cống vào các khu vực dân cư. Ngoài nguy cơ gây bệnh tật, chuột còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy nhà ở London do gặm dây điện làm chạm dây.
London đã sáng tạo ra nhiều kiểu săn bắt chuột. Một trong các cách đó là loại bẫy “Radar”. Loại bẫy này là một chiếc hộp màu trắng cao khoảng 6 tấc được xem là vũ khí kỹ thuật cao. Hai đầu bẫy là nhiều lỗ tựa như hang chuột. Thức ăn được đặt trong hộp, khi chuột vào, do trọng lượng chuột làm cho thiết bị cảm ứng đóng các lỗ lại.
Thay vì dùng bả, chiếc hộp này sử dụng một lượng khí C02 vừa đủ để làm các con chuột chết trong vòng 1 phút nhưng không gây hại tầng ozone. Mặc khác, chiếc bẫy này cũng không gây mùi hôi nếu để chuột chết quá lâu.
Trận dịch hạch đầu tiên của thế giới xảy ra vào năm 541-542, giết chết 40% dân số Constantinople (tên cổ của thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Vào lúc cao điểm, thần chết dịch hạch lấy đi 10.000 mạng người dân thành phố mỗi ngày.
Người ta cho rằng xuất phát là do chuột từ Ai Cập chui vào các loại nông sản nhập khẩu vào đây. Trận dịch hạch thứ hai trong lịch sử xảy ra năm 588, lây truyền từ Địa Trung Hải tới vùng đất thuộc Pháp hiện nay làm tổng cộng 25 triệu người chết.
Từ năm 1347 đến 1351, dịch hạch được biết dưới cái tên Black Death xuất phát từ vùng Trung Á sau đó lan khắp châu Á, châu Âu và châu Phi. Nó làm giảm dân số thế giới từ 450 triệu còn khoảng 350 triệu người. Trung Quốc giảm một nửa dân số (từ 123 triệu xuống còn 65 triệu người), châu Âu giảm 1/3 dân số (từ 75 triệu còn 50 triệu người) và châu Phi giảm khoảng 1/8 (từ 80 triệu còn 70 triệu người). Anh có 1,4 triệu người chết. Đến năm 1665, dịch hạch đã khiến 1/5 dân số của thành phố London qua đời.