Làng Cát Quế thuộc huyện Hoài Đức, Hà Tây, chỉ cách chùa Thầy hơn 3km, tính đường chim bay còn ngắn hơn nhiều. Vốn giàu lên nhờ nghề cổ truyền làm mật mía, làm nha, miến dong và bánh đa khô bán khắp Hà Nội, Cát Quế có rất nhiều nhà cao tầng, đường bê tông hóa đi lại dễ dàng.
Tuy nhiên, những cống rãnh chứa nước thải từ những lò mía đường, bánh đa, miến dong… luôn bốc mùi tanh, hôi khắp làng. Đặc biệt những tháng cuối năm, cưới xin, giỗ chạp nhiều, nước thải từ các nhà đám tràn trề ra các cống rãnh lộ thiên, khiến người qua lại rất khó chịu.
Dân làng Cát Quế sử dụng nước mưa là chủ yếu, có nhà khoan giếng lọc đá lấy nước sinh hoạt, nếu hệ thống nước thải không được xử lý khoa học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, đến môi sinh trong khu vực.
Làng Cát Quế có ngôi chùa Vĩnh Phúc, còn gọi là chùa Vắng rất cổ kính, lưu giữ được nhiều pho tượng đẹp. Đầu làng còn ngôi đền thờ Mẫu, đi tiếp sẽ gặp chùa Thầy. Vệt đường này còn qua làng Sơn Đồng chuyên sơn son thếp vàng tượng Phật, hạc, cuốn thư và đồ thờ… Nhưng làng Sơn Đồng giữ gìn môi trường sạch và đẹp hơn nhiều.
Cũng là cách quản lý của chính quyền cơ sở, nhưng ở Cát Quế chưa xây dựng được nếp làng sạch từ nhà ra ngõ. Nhiều nhà sạch, nhưng ngoài đường phân trâu bò nhan nhản… Nếu làng nghề không giữ được vệ sinh thì bệnh tật phát sinh là tất yếu và khó thu hút khách du lịch dừng chân ghé thăm các đền, chùa…
Vẫn biết, giác ngộ dân trí là bài toán khó, nhưng phải rung chuông báo động cho làng nghề. Trụ trì chùa Vĩnh Phúc – sư thầy Nguyễn Như ưu tư: “Khó đấy, một nhà bảo nhau còn khó, huống hồ cả xóm thôn…”. Khó nhưng phải làm. Phải rung chuông để dân làng thấy được nguy cơ ô nhiễm môi trường.