Theo Sở Thuỷ sản Cà Mau, việc phát triển mô hình nuôi trồng thuỷ sản theo hướng quảng canh cải tiến (nuôi sinh thái) đang dần khẳng định ưu thế vì phù hợp với đặc điểm đồng đất và tập quán canh tác của nông dân Cà Mau.
Tuy nhiên, để tìm ra mô hình nuôi tôm phù hợp trên, Cà Mau đã phải mò mẫm, trải qua nhiều phương thức thử nghiệm, học hỏi. Theo ông Lê Văn Sử, Phó Giám đốc Sở Thuỷ sản Cà Mau thì những năm gần đây, thời tiết khá bất lợi cho nghề nuôi trồng thuỷ sản, tôm nuôi chậm phát triển và chết rải rác ở một số khu vực. Trong khi đó, các mô hình nuôi tôm truyền thống trước đây dần dần trở nên không phù hợp, hiệu quả thấp, hàng loạt người nông dân nuôi tôm nợ ngân hàng do thua lỗ.
Trước thực trạng đó, ngành Thuỷ sản Cà Mau đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ các khó khăn cho nông dân, nhất là tìm ra những mô hình, phương thức nuôi mới đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và môi trường. Sở Thuỷ sản đã đánh giá lại hiệu quả các mô hình nuôi tôm truyền thống, nhận thấy mô hình nuôi tôm quảng canh tỏ ra hiệu quả và khả thi hơn, tất nhiên là phải cải tiến thêm trong điều kiện mới.
Khoa thuỷ sản- Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh nhận giúp đỡ khảo sát thực tế. Theo đó các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến dựa trên nền tảng phương pháp nuôi truyền thống có cải tiến kỹ thuật đồng bộ các giải pháp về công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và đảm bảo môi trường.
Về giải pháp công nghệ, Sở Thuỷ sản Cà Mau đã tổ chức hàng loạt lớp tập huấn tại hiện trường (mỗi lớp khoảng 20 hộ nuôi
tôm). Phương thức là “học đến đâu, thực hiện đến đó”. Thời gian của mỗi lớp kéo dài khoảng 4 tháng (trước đây chỉ từ 1- 2 ngày); bắt đầu từ quy trình xử lý ao hồ, nền đất, nước, con giống đến quy trình chăm sóc, chế độ ăn, xử lý dịch bệnh, các biện pháp can thiệp vi sinh… và cuối cùng là thu hoạch, sơ chế trước khi chế biến thành thành phẩm xuất khẩu.
Với phương pháp nuôi mới, đã nâng năng suất từ 306 kg/ha/vụ của mô hình nuôi quảng canh truyền thống trước đây lên gấp đôi (từ 600 đến 1.000 kg/ha/vụ). Trong việc nuôi tôm sinh thái này, Cà Mau đã đặc biệt chú ý đầu tư cơ sở hạ tầng là xây dựng hệ thống thuỷ lợi đồng bộ với xây dựng các cơ sở chế biến, trung tâm sản xuất giống, vùng nguyên liệu và giao thông vận chuyển…gắn với các tiểu vùng sản xuất thuỷ sản mà tỉnh đã quy hoạch.
Nhờ đó đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm nguồn nước và mầm bệnh do tình trạng thay nước tuỳ tiện giữa các hộ nuôi trong vùng nuôi từ lâu nay (cùng một tuyến kinh nhưng hộ này lấy nước vào, hộ kia xả nước ra, vì thế mầm bệnh từ hộ này sang hộ kia là khá phổ biến); mặt khác các nhu cầu phục vụ cho nuôi trồng, chế biến tôm được đáp ứng thông qua các trung tâm sản xuất giống, các nhà máy chế biến thức ăn cho tôm, các cơ sở thu gom, chế biến…
Như vậy, với việc ra đời phương thức, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đồng bộ đã bước đầu mang lại hiệu quả, phát huy những lợi thế của Cà Mau từ điều kiện đồng đất, nguồn nước đến tập quán trong nuôi trồng của nông dân. Mô hình trên đã và đang được nhân rộng. Đây là một tín hiệu sáng mở ra hướng phát triển mới không những cho Cà Mau mà còn thiết thực cho nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.