“Phân loại rác tại nguồn – Hãy tạo thói quen đó từ hôm nay”. Đọc tấm biển cổ động được cơ quan chức năng gắn bên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân – TPHCM), thấy vừa mừng vừa… giận.
Mừng là rác ở Thành phố được “bớt chôn, tăng tái chế”; còn giận là sau nhiều năm thực hiện thí điểm, chương trình phân loại rác từ nguồn tại TP.HCM vẫn giậm chân tại chỗ và người dân thành phố đang thắc mắc không biết dự án phân loại trên đi về đâu?
Ai cũng biết, trong hơn 6.000 tấn rác/ngày ở TPHCM, phần lớn là rác hữu cơ. Nếu được phân loại tốt, lượng rác khổng lồ này có thể tái sinh, tái chế, làm phân hữu cơ…; đồng thời giúp thành phố giải quyết được những khó khăn do thiếu bãi chôn lấp rác.
Thấy được cái lợi này mà có đến 70% người dân ở quận 6 nhiệt tình tham gia chương trình thí điểm phân loại rác từ nguồn. Rác được các hộ dân cất công phân loại đâu ra đấy từ trong nhà, nhưng nhiều người đã “nổi nóng” khi thấy rác bị đổ chung trở lại khi vận chuyển và xử lý (!?).
Người dân không khó tìm ngay ra nguyên nhân trái khoáy trên: Dù vận động rất nhiều, nhưng ở các khâu xử lý, vận chuyển rác vẫn chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ! Tìm hiểu, được biết, tất cả chỉ vì sự vô trách nhiệm của các sở – ngành liên quan.
Theo Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố, hiện đã có 7 nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt vấn đề xử lý rác đã qua phân loại tại TP.HCM. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do thủ tục và vướng đền bù, giải tỏa, nên chương trình này chuyển mà chưa động là vậy.
Từ đó, mới có chuyện: trong khi người dân ở quận 5, quận 6 (hai địa phương đầu tiên của thành phố thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn từ năm 2006) rất nhiệt tình tham gia việc làm có lợi cho đất nước thì trái lại các sở – ngành vẫn cứ… ầu ơ ví dầu.
Nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của UBND TP.HCM và tăng tốc của cơ quan chức năng thì một chủ trương lớn của thành phố khó đi vào cuộc sống, nếu không muốn nói là bị phá sản.