Bụi đá và tiếng chí chát từ làng nghề đá ngày đêm ở xã Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân nơi đây.
Bụi đá và tiếng ồn
Cả xã Ninh Vân lúc nào cũng ồn ã với âm thanh chí chát, ầm ào của làng nghề khắc đá nghệ thuật, của nhà máy xi măng Duyên Hà, Hải Dưỡng, của những doanh nghiệp khai thác đá… Dọc trục đường chính từ đầu làng đến cuối làng, nhìn sang hai bên đường chỉ thấy bạt ngàn một màu bụi trắng: trắng đường, trắng nhà cửa, trắng cây cỏ…
Làng nghề đá này đã có từ rất lâu nhưng chỉ phát triển mạnh khoảng gần chục năm trở lại đây, thu hút được khá lớn lực lượng lao động trong làng và tạo thu nhập ổn định cho họ. Tuy nhiên, đa số các hộ làm đá đều tận dụng ngay đất của nhà làm nơi sản xuất và đều bám đường nên làng nghề nằm xen lẫn khu dân cư, chạy dọc theo trục đường chính của làng.
Nắng thì lầm bụi, mưa thì lầy bẩn. Biết là nguy hại đến sức khoẻ nên nhiều nhà đã phải mua bạt căng kín quanh nhà, đóng cửa im ỉm suốt ngày, thế nhưng vẫn khó tránh nổi đường đi của những hạt bụi đá nhưng tiếng ồn thì không hộ dân nào trốn được. Những người dân sống gần khu nhà máy xi măng cũng chung nỗi niềm.
Chị Nguyễn Thị Hiền, thôn Dưỡng Thượng, ở ngay sát nhà máy xi măng Hải Dưỡng than thở: Không biết bao năm nay chúng tôi sống chung với bụi đá và tiếng ồn từ nhà máy ngày đêm phát ra, rồi ngay đằng sau nhà là khu khai thác và chế biến đá xây dựng của các doanh nghiệp tư nhân. Ngôi nhà của chị nằm ngay trên trục đường chính của thôn cùng với những hộ dân khác, chỉ cách con đường đá nhỏ đã xuống cấp trầm trọng là nhà máy xi măng Hải Dưỡng đang trong giai đoạn xây dựng, máy móc ầm ào, bụi đá mù mịt.
Nhìn ra xung quanh nhà máy cũng có thể dễ dàng nhận thấy còn nhiều khu dân cư chung cảnh như vậy: ăn cùng bụi, ngủ cùng bụi và ngày đêm phải chịu đựng những tiếng ầm ào của máy móc các loại. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp khai thác đá xây dựng cũng làm tăng thêm ô nhiễm môi trường ở Ninh Vân. Đứng ở gần trại giam Ninh Khánh, gần những dãy núi đá bất kể lúc nào cũng có thể giật mình bởi tiếng mìn phá đá, trong khi theo quy định thì chỉ được phép nổ mìn khai thác đá vào buổi trưa và tối.
Ngoài ra, ngay đầu xã Ninh Vân còn có nhà máy phân lân Ninh Bình, ngày đêm thả ống khói đen xì và xả lượng nước thải đen bẩn ngay ra ven đường, ống cống nhỏ hẹp nên nước bẩn tràn sang cả ruộng canh tác rau của bà con.
Giải pháp vẫn còn bỏ ngỏ
Theo báo cáo của Phòng Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình thì không khí khu vực huyện Hoa Lư có chiều hướng ô nhiễm gia tăng. Môi trường không khí khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đang bị ô nhiễm do các hoạt động đục đẽo đá thủ công. Hàm lượng bụi lơ lửng đo được ở khu vực này vào 2 thời điểm đều cao hơn tiêu chuẩn môi trường cho phép từ 1,37-1,75 lần.
Ô nhiễm bụi đá rất nguy hiểm đến sức khoẻ con người, về lâu dài họ có thể mắc các bệnh về mắt, phổi… Trước thực trạng trên, những động thái để giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Hoa Lư nói chung và Ninh Vân nói riêng là thực sự cần thiết, cần làm ngay.
Theo Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình Quách Mai Hồng: Phương án trước mắt, các hộ dân ở liền kề với khu vực nhà máy xi măng cần được di chuyển đến một nơi an toàn hơn. Hoặc phải có chế độ hỗ trợ đền bù sức khoẻ cho người dân quanh vùng sản xuất. Tạo điều kiện để bà con có môi trường sống trong lành, và có điều kiện sản xuất. Đồng thời, bản thân các đơn vị khai thác và sản xuất cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường, để giảm tối đa khí thải, tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường sống.
Đối với làng nghề khắc đá nghệ thuật Ninh Vân, hiện UBND xã đã chuẩn bị trình UBND tỉnh Đề án đưa lao động vào làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân. Mục đích là đưa tất cả các doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân sản xuất chế tác đá về một diện tích tập trung ở khuôn viên 11ha.
Đây là một hướng đi đúng trong việc góp phần cải thiện môi trường khi mà khu quy hoạch đó nằm xa khu dân cư, đồng thời những quy chế làng nghề được xây dựng và giám sát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo dự tính khu quy hoạch là 22 ha và ở giai đoạn đầu thực thi là 11 ha nhưng trong khi thực tế diện tích của các hộ trong làng nghề này đòi hỏi diện tích lớn hơn thế.
Và theo dự tính thì nếu hoàn thành khu quy hoạch giai đoạn 1, với 11 ha sẽ giải quyết được 71 hộ làm đá, vậy gần 1.000 hộ còn lại đến khi nào được quy hoạch? Đó là còn chưa kể đến vấn đề mỗi lô đất chỉ có 500m2 trong khi để đảm bảo yêu cầu làm đá thì diện tích này vẫn là nhỏ, ngoài ra nộp tiền để san lấp mặt bằng, kéo điện nước… là vấn đề không hề nhỏ đối với các hộ sản xuất đặc biệt hộ cá thể.
Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo xuống các sở có liên quan cùng bắt tay vào việc cải thiện môi trường ở Ninh Vân, tuy nhiên đó cũng chỉ là bước khởi đầu và còn mang tính chất nhỏ lẻ chưa thực sự có hệ thống. Chỉ khi cả chính quyền địa phương và các hộ sản xuất kinh doanh ý thức được tầm quan trọng của môi trường, chung tay tìm ra những giải pháp khả thi nhất thì mới có thể tính đến hiệu quả. Còn không, với những người dân Ninh Vân, bụi và tiếng ồn… vẫn sẽ còn là nỗi ám ảnh.