ThienNhien.Net – Nạn buôn bán trái phép các bộ phận của hổ diễn ra liên tục đang làm cho loài hổ Sumatra đi đến tuyệt chủng. Theo một báo cáo của TRAFFIC được công bố gần đây, các điều luật về bảo vệ hổ đã không thể kiểm soát được tình trạng chào bán công khai các phần cơ thể hổ tại Indonesia.
Các bộ phận cơ thể hổ, bao gồm răng nanh, vuốt, các mảnh da, đuôi và xương, được bày bán tại 10% trong số 326 cửa hàng bán lẻ được khảo sát trong năm 2006 tại 28 thành phố và thị trấn quanh Sumatra. Các cửa hàng này bao gồm cả cửa hàng vàng bạc, bán đồ lưu niệm, các cửa hàng thuốc cổ truyền Trung Quốc và các cửa hàng bán đồ cổ và đá quý. Kết quả khảo sát cho thấy có ít nhất 23 con hổ đã bị giết để cung cấp các sản phẩm.
“Con số này đã giảm so với ước đoán là 52 con bị giết mỗi năm vào khoảng năm 1999 – 2002”, Julia Ng. – tác giả chính của cuốn “Buôn bán hổ đã trở lại Sumatra, Indonesia” cho biết: “Thật đáng buồn vì sự suy giảm số lượng trên xảy ra là bởi quần thể hổ tự nhiên bị thu hẹp”.
Tất cả các cuộc khảo sát của TRAFFIC đã chỉ ra rằng Medan, thủ phủ của tỉnh Bắc Sumatra, và Pancur Batu, một thị trấn nhỏ nằm cách khoảng 15km, là các trung tâm chính của việc buôn bán các bộ phận cơ thể hổ.
Tiến sĩ Susan Lieberman, Giám đốc chương trình bảo tồn loài của WWF quốc tế cho biết: “ Hổ Sumatra đang bị bán từng phần cơ thể đến tuyệt chủng…Đây là một cuộc khủng hoảng trong vấn đề thi hành luật. Nếu các nhà cầm quyền Indonesia cần sự trợ giúp từ cộng đồng quốc tế họ nên kêu gọi. Nếu không, họ nên chứng minh họ đang thực hiện luật pháp một cách nghiêm túc”.
Báo cáo khuyến nghị cần tập trung các nguồn lực và nỗ vào việc thi hành luật có hiệu quả để chống lại việc buôn bán trái phép bằng cách bắt giữ cả người buôn bán lẫn người cung cấp. Các điểm nóng buôn bán cũng nên được tiếp tục kiểm soát và tất cả tin tức nên được thông qua quyền thực thi luật pháp để hành động. Các sai trái được tìm thấy trong buôn bán hổ và các động vật hoang dã được bảo vệ khác nên bị truy tố với đầy đủ điều luật.
Các chuyên gia TRAFFIC đã tìm thấy các bộ phận của 23 con hổ được bán. Tiến sĩ Tonny Soehartono, Giám đốc Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ trưởng lâm nghiệp Indonesia, giải thích rằng: “Chúng tôi đang phải vật lộn với các vấn đề như thay đổi mục đích sử dụng đất, phá vỡ môi trường sống, các xung đột giữa con người với hổ và đói nghèo ở Sumatra. Việc thay đổi mục đích sử dụng đất và phá vỡ môi trường sống đang làm hổ tiến gần đến loài người hơn và vì vậy tạo ra xung đột người – hổ”. Tuy vậy, trong suốt Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2007 ở Bali, thủ tướng Cộng hòa Indonesia đã đưa ra “Chiến lược bảo tồn và kế hoạch hành động của hổ Sumatra 2007 – 2017 “ như một lời cam kết bảo tồn loài hổ.
Số hổ còn lại ở Sumatra cũng đang bị đe dọa do hoạt động phá rừng của ngành công nghiệp giấy, bột giấy và dầu cọ. Các mối đe dọa kết hợp của việc mất môi trường sống và buôn bán trái phép sẽ là hồi chuông báo tử đối với hổ Indonesia.
Hổ Sumatra đã được xếp vào danh mục đặc biệt nguy cấp trong sách đỏ của IUCN. Hiện nay, số lượng hổ Sumatra được ước tính là ít hơn 400 – 500 con và không cần tính toán nhiều cũng thấy rằng hổ Sumatra sẽ biến mất như những con hổ Javan và Bali nếu việc săn bắn trộm và buôn bán còn tiếp diễn.
Indonesia hiện chủ trì Mạng lưới thi hành luật về kiểm soát các loài động vật hoang dã ở Đông Nam Á. Do vậy, đã đến lúc quốc gia này cần “chứng minh khả năng lãnh đạo với các nước ASEAN khác bằng cách hành động chống lại việc buôn bán trái phép nói chung và các bộ phận cơ thể hổ nói riêng.”