Khu công nghiệp nhỏ Diễn Hồng (Diễn Châu) có trên 20 cơ sở tái chế nhựa, mỗi cơ sở tạo việc làm cho gần 20 lao động, trong đó đa phần là lao động nữ. Các cơ sở hoạt động đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho người dân địa phương nhưng cũng nảy sinh nhiều bất cập trong đó phải kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thị Chính ở Diễn Hồng (Diễn Châu) cho biết: Gia đình chị có 4 người con, 2 người đã có cửa nhà, hiện tại đứa út học lớp 9 còn đứa thứ 3, năm vừa rồi thi trượt cấp 3 cũng theo mẹ đi nhặt nhựa, mỗi tháng 2 mẹ con chị cũng kiếm được trên dưới một triệu đồng. Còn theo chị Hồ Thị Quế (Quỳnh Giang – Quỳnh Lưu) thì phân loại nhựa là công việc không ít vất vả nhưng cũng dễ kiếm tiền.
Mỗi ngày, khu tái chế có hàng trăm tấn rác thải đổ về với đủ các thứ tạp chất: Từ bao bóng, vỏ đồ hộp, đến ống chuyền, bơm tiêm… Người “ngại” tiếp xúc với rác thì xem đó là những thứ bỏ đi, còn với những người lao động nơi đây, đó thực sự là “vàng”.
Hơn thế, với người làm công, phế liệu hay “rác” đã thực sự làm thay đổi cuộc sống của họ. Anh Nguyễn Văn Đồng, 18 tuổi (Diễn Hồng – Diễn Châu), nhờ hàng ngày bốc vác ở cơ sở tái chế nhựa, đến nay đã có tiền sửa nhà và trả nợ ngân hàng. Chị Nguyễn Thị Hoài cũng quê ở Diễn Châu, nhà chỉ có 2 mẹ con, chị đi lựa bao bóng gần 7 năm, nay đã có tiền xây nhà! Còn nhiều gia đình, nhờ “rác” đã có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.
Tuy nhiên, có một thực tế là người sử dụng lao động ở đây chưa mấy quan tâm đến người lao động. Do phải làm việc trong môi trường độc hại, việc phát sinh các mầm bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe là điều nhìn thấy được.
Phải trực tiếp “vật lộn”, “tìm kiếm” trong “kho” rác khổng lồ, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác nhưng người lao động (chủ yếu là chị em phụ nữ) được trang bị phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động (BHLĐ) hết sức sơ sài – có khi, ngay tới chiếc khẩu trang, găng tay – những vật dụng BHLĐ tối thiểu nhất họ cũng không có, hoặc có mà không sử dụng.
Ở đây, ý thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động còn hạn chế. Hầu hết các cơ sở tái chế nhựa đều chưa đưa ra các chế độ đối với người lao động mà lẽ ra họ có quyền được hưởng, như bảo hộ lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…