Long An, Quảng Ninh: tái phát dịch cúm gia cầm

Từ tháng 01/2008 đến nay đã có ba ca tử vong do H5N1 và một ca đang điều trị với bệnh tình rất nặng. Dịch cúm gia cầm đã trở lại và tình hình đang hết sức nghiêm trọng!

Tỉ lệ tử vong như vậy là quá cao. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Nga lý giải: “Các thuốc có hiệu lực kháng virus H5N1 hiệu quả đều yêu cầu uống trong vòng 48 giờ sau khi mắc bệnh. Nhưng trong dịp tết vừa qua, các bệnh nhân mắc bệnh đều đến bệnh viện rất muộn, có người hàng tuần sau khi mắc bệnh mới đến. Một mặt do người dân chủ quan, một mặt do tết nhất, đầu năm, tâm lý người VN cũng ngại ngùng, cho rằng đi bệnh viện là cái gì xui xẻo nên cứ cố ở nhà thêm…”

Do chủ quan và thiếu hiểu biết

* Đã năm năm VN xuất hiện cúm gia cầm. Suốt thời gian ấy, công tác tuyên truyền và nỗ lực phòng dịch đã nhiều nhưng giờ đây vẫn còn người mắc bệnh. Do đâu, thưa ông?

Đã tuyên truyền nhưng hành vi của người dân chưa chuyển đổi nhiều. Ví dụ như vẫn cứ ăn thịt gà chết. Họ vẫn cho đó là do bệnh cúm gà thông thường, suy nghĩ như từ thời các cụ xưa.

Một phần nữa là các ca bệnh xuất hiện chủ yếu ở những vùng chưa công bố có dịch cúm gia cầm. Đây đều là những gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, có nhiều lắm là vài chục con gia cầm, thủy cầm. Khi thấy gia cầm chết thì không thông báo hoặc báo không kịp thời. Tôi nghĩ việc kiểm soát cúm gia cầm địa phương nên giao cho trưởng thôn, bản kết hợp y tế và thú y thôn bản. Tuy nhiên lực lượng thú y cũng cần củng cố thêm. Hiện có những xã chưa có cán bộ thú y.

* Những nghiên cứu mới nhất có phát hiện biến đổi ở cúm gia cầm hay chưa, thưa ông? Vì sao các ca mắc gần đây đều có biểu hiện rất nặng và hầu hết tử vong?

Lý do chính là đến bệnh viện muộn. Lúc trước các ca bệnh xảy ra ở vùng có dịch cúm gia cầm thì còn có khuyến cáo. Nay xảy ra ở vùng không thấy thông báo dịch, người dân còn chủ quan. Các nghiên cứu mới chưa phát hiện biến đổi gen, chủng cúm gia cầm mới vẫn là chủng đã phát hiện ở Trung Quốc từ những năm đầu tiên phát hiện virus H5N1. Thời điểm hiện nay tôi đánh giá dịch cúm gia cầm trở lại, nhưng chưa đánh giá là cường độ mạnh do chưa xuất hiện những chùm ca bệnh.

 
Một bệnh nhân nghi nhiễm cúm gia cầm H5N1 đang được điều trị tại Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới.

* Đã có bệnh và có người tử vong. Về khả năng lây lan dịch, ông đánh giá ra sao?

Hiện đang là những ngày lạnh nhất ở các tỉnh phía Bắc và mùa đông thường được coi là “mùa” cúm gia cầm. Đây cũng là mùa chim di cư và các đàn chim hoang dã mang virus từ khu vực này sang khu vực khác, gây lây lan bệnh. Thông thường, sau 7-14 ngày không phát hiện bệnh nhân mới từ ổ dịch, có thể coi là không còn bệnh nhân từ những vùng dịch đó.

Tuy nhiên tôi vẫn cho rằng: còn bệnh nhân, còn mầm bệnh! Mấy ngày nữa là rằm tháng giêng, rồi sau tết người dân “hóa vàng”, lượng gia cầm sử dụng nhiều. Tôi cũng vừa dự cuộc họp với 21 tỉnh phía Nam về cúm gia cầm. Năm vừa qua không có người bệnh mới nào ở khu vực này. Song tôi đánh giá tất cả mọi nơi, mọi người đều không thể chủ quan…

Vẫn còn nguy cơ

* Mấy năm qua chúng ta chống cúm gia cầm nhưng thường chỉ chống mạnh mẽ khi dịch đã xuất hiện, đã có người mắc bệnh, người chết…

Chiều thứ ba mỗi tuần Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm đều họp với sự chủ trì của bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các hoạt động phòng chống vẫn được tiến hành đều đặn ngay cả những thời điểm yên ổn. Nhưng như tôi đã nói là hành vi của người dân chưa chuyển đổi nhiều, ví dụ như việc kinh doanh gà sống tại các chợ vẫn chưa cấm được hẳn, người dân vẫn thích mua gà sống, chỉ “sợ” khi nào dịch bùng phát mạnh mẽ. Vì vậy chỉ biết tuyên truyền cho người ta dùng khẩu trang, găng tay khi giết mổ.

* Ở thời điểm này, dự trữ thuốc và các phương tiện chống dịch khác có sẵn sàng không, thưa ông?

Tôi được biết thuốc Tamiflu đang được dự trữ đảm bảo đủ nhu cầu chống dịch. Thuốc này do Cục Quản lý dược đảm nhiệm. Hôm 14-2, chúng tôi đã yêu cầu 64 địa phương trong cả nước kiểm tra lại cơ số Tamiflu, phối hợp chặt chẽ y tế – thú y, đảm bảo không xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm ốm chết. Hai địa phương có dịch mới nhất là hai xã ở Ninh Bình và Hải Dương đã được phun tiệt trùng, tiêu hủy toàn bộ gia cầm, như ở Hải Dương toàn bộ 1.600 con gà trong vùng đều đã được tiêu hủy.