Hai tháng đầu năm đã có 4 người chết vì cúm A H5N1. Còn ngày 19/02/2008, bản đồ dịch cúm gia cầm đã mở rộng thêm với việc Thái Nguyên, Quảng Bình, Hải Dương, Nam Định, Tuyên Quang cũng xuầt hiện cúm. Đây là diễn biến hết sức đáng lo ngại…
Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho biết, trong mấy ngày qua, có rất nhiều người gọi điện đến đường dây nóng phản ánh hiện tượng gia cầm chết rải rác tại Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây, Nam Định. Một số địa phương tái xuất hiện việc cho xác gia cầm vào bao tải đem vứt xuống sông.
Đến kiểm tra tại Hải Dương và Ninh Bình cho thấy, người dân còn rất chủ quan, người mắc bệnh do làm thịt và ăn thịt gà chết. Người dân hầu như không tiếp nhận được các thông tin, khuyến cáo về phòng chống dịch. Các cấp chính quyền cũng lơ là. Tại Gia Lộc, Hải Dương, thấy gà chết rải rác, người dân đã báo cáo lên huyện nhưng huyện không có phản ứng gì.
Có nơi, gia cầm chết bất thường nhưng không lấy mẫu xét nghiệm mà quy luôn là gia cầm chết rét. Đến khi thông báo có người chết thì mới cuống cuồng tổ chức phòng, chống. Do vậy, nguy cơ xuất hiện một đợt dịch cúm mới trên phạm vi toàn quốc là rất lớn, nhất là tại các tỉnh ĐBSH và ĐBSCL trong thời gian tới.
Thời tiết miền Bắc đang tiếp tục rét đậm và mưa phùn làm suy yếu sức khỏe đàn gia cầm. Cùng với đó, tỷ lệ miễn dịch bình quân của đàn gia cầm xuống thấp do một số gia cầm bị giết thịt trong dịp tết, đàn gia cầm được nuôi mới sau tết và nhiều gia cầm đã đến kỳ tiêm phòng nhắc lại nhưng không được tiêm bổ sung. Kinh nghiệm nhiều năm qua cho thấy, tháng 3 là thời điểm dịch rất dễ bùng phát bởi khả năng bảo hộ của đàn gia cầm kém đi. Đây là thời điểm giao thời giữa hai kỳ tiêm phòng vacxin.
Đến tháng 3 là bắt đầu triển khai tiêm mũi 1 năm 2008 cho đàn gia cầm. Nhưng đến nay chỉ còn gần 50 triệu liều vacxin, trong khi nhu cầu là 250 triệu liều. Viện trưởng Viện Thú y Trương Văn Dung cho rằng, phải nhanh chóng nhập bổ sung vacxin để tiêm phòng đúng kế hoạch. Nếu để khoảng trống thì nguy cơ dịch sẽ bùng phát trên diện rộng. Kết quả công cường độc loại virus mới nhất lấy từ Thái Nguyên cho thấy, hiệu qủa của vacxin H5N1 của Trung Quốc vẫn rất cao.
Đến cuối giờ chiều ngày 19/02, Cục Thú y đã xác nhận thêm 3 tỉnh bùng phát dịch là Hải Dương, Nam Định và Tuyên Quang. Tại Hải Dương, phát hiện ổ dịch tại một hộ chăn nuôi gia cầm ở thôn Cụ Trì, xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện. Ổ dịch đã làm chết 640 con trong tổng số 800 con gia cầm, tất cả số gia cầm nói trên đều chưa được tiêm phòng vắcxin cúm. Tại Nam Định, ổ dịch cúm gia cầm tại hộ chăn nuôi thôn Ngọc Thành, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, làm chết 1.765 con trong tổng số 3.450 con. Ổ dịch tại Tuyên Quang là ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, làm chết 90 con trong tổng số 142 con gia cầm, đàn gia cầm tại đây cũng chưa được tiêm phòng vacxin.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhận định, dịch cúm gia cầm đang ở mức báo động đỏ trên phạm vi toàn quốc. Không chỉ ở gia cầm mà nguy hiểm hơn là số người tử vong do H5N1 trong thời gian ngắn qúa nhiều. Nếu chúng ta không triển khai phòng chống tốt thì nguy cơ đại dịch sẽ trở lại như thời điểm năm 2005.