Trung tâm Khí tượng – Thủy văn khu vực Nam Bộ vừa cảnh báo, ngay sau Tết Nguyên đán gió chướng thổi mạnh nên nước mặn sẽ bắt đầu xâm nhập vào các vùng cửa sông đồng bằng sông Cửu Long và thời tiết khô hạn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
Hiện tượng xâm nhập mặn được dự báo sẽ đến sớm hơn so với tình trạng năm ngoái, và người dân ở các tỉnh ven biển sẽ phải đối phó với xâm nhập mặn và gió chướng ngay sau Tết.
Ngoài ra, gió chướng mạnh liên tục cũng sẽ dồn ép nước biển vào cửa sông làm cho các đợt triều cường trong rằm tháng Giêng và tháng 2 Âm lịch năm nay có khả năng đạt mức cao bất thường. Sự bất thường về thời tiết trong những ngày này cũng báo hiệu một mùa khô hạn, triều cường, xâm nhập mặn và gió chướng.
Ðối với ngư dân, vùng biển Kiên Giang, Phú Quốc thì khá an toàn, nhưng vùng biển phía đông thì sóng to gió lớn nên sẽ gây khó khăn không ít cho những chuyến tàu ra khơi trong dịp này.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng, năm nay lượng nước từ thượng nguồn đổ về đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) trong mùa khô có khả năng dưới mức trung bình. Do đó nước mặn có thể xuất hiện sớm và xâm nhập sâu vào đồng ruộng, gây ra tình trạng thiếu nước ngọt, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ðồng thời, mực nước nội đồng thấp sẽ làm cho lớp thực vật khu vực Ðồng Tháp Mười khô và dễ cháy. Tình hình khô hạn sẽ làm tăng nguy cơ cháy rừng. Ðối với các tỉnh miền Ðông Nam Bộ thì các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao là Ðác Lắc, Bình Phước và Tây Ninh, còn ở ÐBSCL thì nguy hiểm nhất là các khu rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ.
Ngoài nguy cơ cháy rừng, ÐBSCL, vựa lúa của cả nước hiện đang đối mặt với rầy nâu. Hàng trăm ha lúa đông xuân các tỉnh phía nam đang bị nhiễm rầy nâu. Nhiều nhất là tại các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Long An.
Từ nay đến hết tháng Giêng âm lịch, thời tiết có sương mù và lạnh nên nông dân được khuyến cáo theo dõi chặt chẽ diễn biến của rầy nâu.
Riêng khu vực Tây Nguyên trong năm ngày tới sẽ không có mưa và trở lạnh, nhiệt độ thấp nhất tại Ðà Lạt là 10oC, tại Bảo Lộc là 13-14oC.
Phó phòng Dự báo của Trung tâm Lê Thị Xuân Lan cho biết, sẽ xuất hiện một vùng áp thấp di chuyển từ phía nam Philippines vào Biển Ðông và có khả năng sẽ mạnh dần lên sau đó.
Do đó, khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên là hai nơi chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp này, nên các vùng biển từ miền trung đến Cà Mau sẽ có gió mùa đông bắc mạnh cấp 6, có lúc giật cấp 7, biển động.
Do đó Trung tâm Khí thượng – Thủy văn cảnh báo, từ nay đến rằm tháng Giêng âm lịch (ngày 21/02), tàu, thuyền ra khơi cần đề phòng, theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo về vùng áp thấp này và gió mạnh ngoài khơi để tránh thiệt hại.