ThienNhien.Net – Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết các nguy cơ chính đe doạ hành tinh chúng ta như biến đổi khí hậu, tốc độ tuyệt chủng của các loài và thách thức của việc cung cấp lương thực cho số dân cư đang ngày càng tăng chỉ là một số trong muôn vàn những vấn đề còn tồn tại, và tất cả những điều đó đang khiến loài người phải đối mặt với nhiều nguy cơ mới.
Lời cảnh báo này được đưa ra trong bản báo cáo “Môi trường toàn cầu: Vì sự phát triển (GEO –4)” của UNEP. GEO-4 đánh giá tình trạng hiện nay của không khí, đất, nước, khí hậu và đa dạng sinh học toàn cầu, mô tả những thay đổi kể từ năm 1987 và nêu những vấn đề ưu tiên cần giải quyết. Đây là báo cáo tổng hợp nhất của Liên hiệp quốc về vấn đề môi trường, do 390 chuyên gia biên soạn và được hơn 1.000 chuyên gia khác trên khắp thế giới phê bình.
Báo cáo này đề cao những bước tiến trong việc giải quyết những vấn đề có liên quan do hiện nay chính trị và môi trường càng ngày càng có mối quan hệ gần gũi hơn ở tất cả các nước. Bất chấp những tiến bộ, hiện nay vẫn còn tồn tại những vấn đề “cố hữu” khó giải quyết.
Theo UNEP, thất bại trong việc giải quyết những vấn đề cố hữu này sẽ có thể phá hỏng những thành công đạt được trong những vấn đề đơn giản hơn và có thể đe doạ đến sự tồn tại của con người. Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định rằng: “Mục đích của báo cáo không phải là đưa ra một bức tranh ảm đạm mà là kêu gọi hành động khẩn trương”.
Ông Achim Steiner, phó tổng thư kí Liên Hiệp quốc và Giám đốc điều hành UNEP cho biết: “Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Uỷ ban môi trường và phát triển có thể nói là rất đáng khích lệ nhưng vẫn còn rất chậm chạp và nhỏ lẻ để có thể nhận ra và giải quyết những thách thức mà cả loài người lẫn môi trường của hành tinh đang phải đối mặt”.
Trong vòng 20 năm qua, cộng đồng thế giới đã cắt giảm 95% lượng chất hoá học gây thủng tầng ô zôn, đưa ra hiệp ước về cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính cùng với sáng kiến mua bán khí thải và thị trường mua bán khí thải; tăng diện tích đất liền được bảo vệ lên đến gần 12% diện tích Trái Đất và đưa ra hàng loạt các biện pháp quan trọng liên quan đến các vấn đề từ đa dạng sinh học và sa mạc hoá đến mua bán các chất thải độc hại và các cơ thể sống bị biến đổi.
“Tuy nhiên, GEO-4 cũng chỉ ra rằng vẫn còn những vấn đề cố hữu và nan giải vẫn chưa được giải quyết. Đó là những vấn đề còn tồn đọng trước kia và những vấn đề mới nảy sinh – từ việc gia tăng nhanh chóng những “vùng chết” thiếu ô xi ở các đại dương cho đến việc tái xuất hiện những căn bệnh dịch cũ và mới phần nào liên quan đến tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, những tổ chức như UNEP được thành lập ra để tìm ra căn nguyên của các vấn đề lại vẫn còn thiếu nguồn lực và tài chính”. Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, báo cáo cho biết mối đe doạ đã cấp bách đến mức phải cắt giảm rất nhiều lượng khí nhà kính vào giữa thế kỉ này.
Các cuộc đàm phán về một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto – thoả thuận quốc tế về khí hậu buộc các nước phải kiểm soát lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Dù trong hiệp ước này tất cả các nước đang phát triển sẽ không phải cam kết cắt giảm lượng khí thải thì vẫn có rất nhiều sức ép buộc các nước công nghiệp hoá nhanh – các nước phát thải chủ yếu hiện nay – phải kí cam kết giảm lượng khí thải.
Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời cảnh báo rằng chúng ta đang sống vượt xa ngưỡng cho phép. Dân số thế giới đông đến mức “Nguồn tài nguyên cần thiết để duy trì cuộc sống của con người vượt quá mức có sẵn hiện nay. Nhu cầu môi trường của con người là 21,9 héc ta/người trong khi năng lực sinh thái của Trái Đất chỉ có thể cung cấp trung bình 15,7ha/người”. Thêm vào đó, cuộc sống của hàng tỷ người ở các nước đang phát triển đang bị đe doạ do những nước này đã không giải quyết được những vấn đề đơn giản mà nhiều quốc gia khác đã hoàn thành tốt.
GEO-4 cũng nhắc lại tuyên bố mà Uỷ ban Brundtland đã đưa ra rằng thế giới không đối mặt với những cuộc khủng hoảng riêng rẽ mà tất cả “khủng hoảng môi trường”, ‘khủng hoảng phát triển”, “khủng hoảng năng lượng” đều là một. Cuộc khủng hoảng này không chỉ bao gồm biến đổi khí hậu, tỉ lệ tuyệt chủng và nghèo đói mà gồm cả những vấn đề do tăng dân số, tăng nhu cầu tiêu dùng của người giàu và sự tuyệt vọng của người nghèo gây ra.
Cũng theo báo cáo này, biến đổi khí hậu là “vấn đề toàn cầu hàng đầu” cần có sự quyết tâm và sự lãnh đạo chính trị. Tuy nhiên, phản ứng của thế giới là “cực kì chậm chạp” và “mất cân đối nghiêm trọng”. Một vài nước có mức độ ô nhiễm cao đã từ chối phê chuẩn nghị định thư Kyoto (tính đến tháng 10/2007, Mỹ và Úc vẫn chưa phê duyệt Kyoto). Song “Để đạt được tiến bộ nhanh chóng thì những thay đổi cơ bản trong cấu trúc kinh tế và xã hội bao gồm cả thay đổi lối sống đều rất quan trọng”.
Một số vấn đề được chú trọng là: sự suy thoái và cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước, đất đai; đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng, sự xâm nhập của các loài sinh vật lạ, áp lực khu vực, sự phát thải, thế giới phát triển không đồng đều và biến đổi khí hậu.
Mặc dù vậy, đối với một số vấn đề dai dẳng thì sự thiệt hại có thể là không thể thay đổi được. Việc khắc phục các nguyên nhân cơ bản của các sức ép môi trường thường tác động đến lợi ích của các nhóm có quyền lực có thể ảnh hưởng đến các quyết định chính sách. Cách duy nhất để xác định các vấn đề khó khăn là luôn gắn theo một điều kiện từ bên ngoài cho đến trung tâm của việc ra quyết định: môi trường cho sự phát triển, không phải là sự phát triển gây tổn hại đến môi trường.
Cuối cùng, báo cáo GEO-4 kết luận rằng “Trong khi mọi người hy vọng vào sự chỉ đạo của các chính phủ, các đối tượng có liên quan khác cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo đạt được sự phát triển bền vững. Không còn chần chừ và cũng không còn thời gian, với tri thức và hiểu biết nắm trong tay về những thách thức trước mắt, chúng ta cần hành động ngay để bảo vệ sự sống của chúng ta và của thế hệ tương lai”.
Tương lai chung của chúng ta phụ thuộc vào hành động của chúng ta ngày hôm nay, chứ không phải là ngày mai hay một lúc nào đó trong tương lai.