Theo chân một đoàn du khách người Nhật đến Khu du lịch Vàm Sát (Cần Giờ), khi tham quan xong, họ nói hết sức thích thú với phong cảnh thiên nhiên nơi đây và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng, cả một cánh rừng đước bạt ngàn xanh mướt rộng gần 2.000ha mà chỉ có 40 người giữ rừng. Còn người cán bộ cho đến nhân viên Khu du lịch Vàm Sát thì suy nghĩ hết sức đơn giản: Làm du lịch là để giữ rừng.
Sống chết với rừng
Suy nghĩ của những con người yêu thiên nhiên, yêu rừng đơn giản và khiêm nhường như vậy nhưng trên thực tế cuộc sống của họ nơi đây không giản đơn chút nào. Họ phải sống trong cảnh thiếu thốn, từ nước ngọt cho đến phương tiện đi lại xa xôi, cách trở, muỗi mòng… nhưng những cánh rừng mỗi ngày thêm xanh.
Ngay cả ông giám đốc Khu du lịch Vàm Sát – Hà Thanh Linh (một trong những người sống chết với rừng Cần Giờ ngay từ những ngày đầu rừng được trồng) cũng khiêm tốn hết sức, bởi khi được đề nghị viết chân dung của ông, ông khoát tay bảo: “Thôi, viết về tôi làm gì, chuyện giữ rừng, cống hiến cho rừng này đâu riêng gì tôi mà cả hàng trăm người đi trước đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu ở đây. Bây giờ có người đã mất, người còn và những con người hiện đang ngày đêm canh giữ gần 2.000ha rừng đáng để viết, đáng để nói hơn tôi”.
Hiện nay, toàn Khu du lịch Vàm Sát chỉ có 39 người, trong đó 20 người phục vụ du lịch nhưng cũng kiêm luôn việc giữ rừng. 19 người còn lại từ 2 nguồn: những người của nông trường cũ (tức Nông trường Duyên Hải quận 11 trước kia) và dân địa phương sản xuất dưới tán rừng gọi là cộng tác viên chuyên làm nhiệm vụ chốt canh gác và cơ động. Rừng không chỉ được bảo vệ, chăm sóc tốt mà mỗi năm diện tích càng tăng, vì trên thực tế gần 2.000ha thì chỉ có khoảng 1.190ha rừng, còn lại là đất trống nên hàng năm những người giữ rừng tạo điều kiện cho rừng phục hồi, sinh trưởng thêm.
Đã từng nhiều lần về đây, cùng ăn, cùng ở mới cảm nhận được tình yêu thiên nhiên của những người giữ rừng. Cứ mỗi đợt bão đến, ông giám đốc với nhân viên bám trụ với rừng và mong sao cho rừng không bị bão tàn phá, không bị thiệt hại nhiều. “Thấy một cây đước chết, anh em tôi đều xót lắm”, ông Linh tâm sự. Điều lo ngại nhất là do lực lượng giữ rừng mỏng nên luôn lo sợ người dân ở các vùng lân cận như Long An, Tiền Giang vào phá rừng lấy gỗ đốt than.
Giữ rừng bằng cách làm du lịch
Tổng diện tích Khu du lịch Vàm Sát hiện nay rộng 1.862ha, thuộc Tiểu khu 15A – Khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ (toàn bộ rừng ngập mặn Cần Giờ được chia thành 24 tiểu khu), tọa lạc trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Ở đây, cây đặc trưng của vùng đất ngập mặn rất phong phú như đước, mắm, dà hôi, cóc, chà là…
Hệ động vật trên cạn, dưới nước cũng đa dạng chủng loại, lý tưởng cho du khách tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thiên nhiên. Để khai thác thế mạnh này và vẫn bảo vệ rừng tốt, từ năm 1999, ban giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ quyết định thành lập Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát nhằm phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở vật chất và tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Khu du lịch bắt đầu đón khách đến tham quan từ năm 2000.
Hiện nay, khu trung tâm của Khu du lịch Vàm Sát có nhiều hạng mục như nhà nghỉ, hồ bơi, nhà hàng, ao cá, tháp ngắm cảnh… tất cả đều được bố trí dưới những tán rừng, thấm đẫm thiên nhiên. Ở đây còn có khu nuôi khỉ, nuôi cá sấu, nuôi hươu, nai… phục vụ khách tham quan.
Đặc biệt, từ năm 2005, Khu du lịch Vàm Sát đã thành công trong việc nhân đàn tại chỗ giống nai, cá sấu, góp phần tạo lại hệ động vật tự nhiên. Ngoài việc làm du lịch giữ rừng, đội ngũ cán bộ công nhân viên Khu du lịch Vàm Sát còn bảo vệ tốt 2 khu bảo tồn “Sân chim Vàm Sát” quy mô 602,5ha, hiện có khoảng 7.000 chim, cò các loại (trong đó có 11 loài chim nước) và Khu bảo tồn “Đầm Dơi Vàm Sát ”, quy mô 123,2ha, ở đây có đặc chủng dơi nghệ (hiện có trên 300 cá thể).
Năm 2004, UBND TPHCM đã quyết định thành lập và công nhận 2 khu bảo tồn này trực thuộc Khu du lịch Vàm Sát. Ông Hà Thanh Linh cho biết thêm: “Quan điểm của chúng tôi là làm du lịch để giữ rừng, lấy du lịch để nuôi rừng. Tất cả mọi hạng mục ở đây khi xây dựng đều phải lấy tiêu chí bảo vệ rừng ra mà áp dụng. Khi một cây đước bị chết cũng phải lập hồ sơ báo cáo với kiểm lâm. Chính vì vậy mà nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất khoái cách chúng tôi làm công tác bảo tồn thiên nhiên”.
Phần lớn du khách, đặc biệt khách nước ngoài khi đã một lần đến Khu du lịch Vàm Sát đều rất thích phong cảnh thiên nhiên, không khí ở đây. Có không ít vị khách ở lại, sống hoang dã trong rừng cả tuần lễ. Hàng năm, Khu du lịch Vàm Sát còn đón nhiều nhà khoa học, sinh viên từ nhiều trường trong và ngoài nước đến nghiên cứu về hệ sinh thái, tài nguyên rừng. Năm 2003, Khu du lịch Vàm Sát được Hội đồng Khoa học Trung ương xét tặng giải thưởng “Cúp vàng sự nghiệp xanh” và Tổng cục Du lịch trao “Cúp vàng du lịch xanh Việt Nam”.
Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát nguyên trước đây là Nông trường Duyên Hải quận 11 và Trường Giáo dục lao động công nông nghiệp Duyên Hải quận 11, TPHCM, thành lập năm 1978 và được UBND TPHCM giao trồng rừng nhằm phục hồi lại hệ sinh thái rừng ngập mặn (đã bị hủy hoại hoàn toàn sau chiến tranh do Mỹ rải chất độc da cam) và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Đến năm 1999, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng rừng phủ xanh gần hết đất trống, hoàn thành việc giáo dục học viên, đơn vị chuyển về trực thuộc Công ty Dịch vụ du lịch Phú Thọ.