Từ đầu năm 2008 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện trên địa bàn TP.HCM vẫn chưa giảm đáng kể mặc dù thời tiết đang vào mùa khô và được xem là “trái mùa” của dịch SXH. Ghi nhận tại các bệnh viện (BV) ngày 18/02 cho thấy, diễn biến SXH cả ở người lớn và trẻ em đều khá phức tạp và dự báo nhiều khả năng trong năm 2008, dịch sẽ bùng phát mạnh nếu không có những biện pháp phòng chống tích cực ngay từ bây giờ.
Muỗi bùng phát tại các kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh
Nhập viện tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái
Vào thời điểm này các năm trước, BV bệnh Nhiệt đới khá “thảnh thơi” đối với bệnh SXH. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay BV này vẫn chật vật điều trị cho nhiều ca SXH nhập viện, thậm chí có khá nhiều ca phải cấp cứu – hồi sức. Tại khoa Nhi A, số bệnh nhi mắc SXH đang được điều trị nội trú luôn thường trực 35-40 cháu, riêng trong ngày 18/02 tăng lên 45 cháu và có tới hơn 10 cháu chuyển qua độ nặng. BS Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Nhi A, cho biết mặc dù lượng bệnh nhi SXH không cao bằng thời điểm mùa dịch nhưng so với thời điểm này năm ngoái và các năm trước thì cao hơn nhiều.
Thời điểm tháng 1 và 02/2007, khoa Nhi A này chỉ thường trực khoảng 10-15 cháu/ngày nhưng nay đã tăng gấp 3 lần. Điều BS Ngọc lo ngại là hiện đang là mùa khô, chưa đến mùa dịch SXH nhưng lượng bệnh nhi mắc bệnh này không giảm là một vấn đề đáng báo động. Cũng theo BS Ngọc, hầu hết bệnh nhi đều cư ngụ tại TP.HCM và tập trung nhiều ở các quận 8, huyện Bình Chánh.
Tại BV Nhi đồng 2, số trẻ nhập viện do mắc SXH cũng đang ở mức cao. Hiện mỗi ngày, khoa Nhiễm BV này luôn có tới 30-35 cháu. BS Trần Thị Thúy, Phó khoa Nhiễm, cho biết từ đầu năm đến nay y bác sĩ của khoa vẫn tập trung chăm sóc điều trị chủ yếu cho trẻ mắc SXH, trong đó có nhiều cháu có biến chứng nặng. Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 1, số trẻ mắc SXH tuy có giảm so với cao điểm dịch nhưng vẫn lo ngại bởi thường trực tại BV này mỗi ngày 35-40 cháu mắc SXH. BS Lê Bích Liên, Trưởng khoa Sốt xuất huyết, cho biết thời điểm trước Tết Nguyên đán số ca mắc SXH còn cao hơn, ở mức 50-70 cháu/ngày. Đáng nói là Khoa Hồi sức BV Nhi đồng 1 phải cứu chữa nhiều trường hợp trẻ sốc SXH nặng, trong đó có cháu sốc độ IV, kèm nhiều biến chứng suy gan, suy thận, suy hô hấp nặng.
Không chỉ SXH ở trẻ vẫn còn diễn biến phức tạp mà SXH ở người lớn cũng là vấn đề đáng quan ngại. BV Bệnh nhiệt đới đang phải đối đầu với lượng bệnh nhân tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo BS Nguyễn Thị Dung, Phó khoa Nhiễm D, nếu như tháng 1 và 02/2007 chỉ có khoảng 6-7 người mắc SXH/ngày thì nay BV tiếp nhận trung bình 24-25 ca/ngày, riêng trong ngày 18/02 có tới 29 ca. BS Dung cũng băn khoăn là trước đây bệnh nhân hầu hết người dân nhập cư và ngoại tỉnh thì nay số người lớn mắc SXH đa phần người dân TPHCM và tập trung ở các quận nội thành.
Vệ sinh môi trường kém – nguy cơ bùng phát dịch
BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết là các ổ dịch SXH cũ của năm 2007 ở các quận 6, 8, Bình Thạnh, Bình Tân vẫn chưa được giám sát triệt để nên số bệnh nhân mắc ở các địa bàn này vẫn cao. Mặt khác, các địa bàn có nhiều kênh rạch đang bùng phát muỗi và lăng quăng, vệ sinh môi trường kém, nước tù đọng nhiều nên không ngoại trừ khả năng phát sinh những ổ dịch SXH mới.
Trước nguy cơ dịch SXH bùng phát trái mùa, hôm 18/02, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Châu đã có công văn gửi UBND các quận-huyện, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng quận-huyện và thành phố về việc tăng cường giám sát, phát hiện dịch SXH sớm và giải quyết triệt để tình hình muỗi trên địa bàn thành phố. Sở Y tế yêu cầu UBND các quận-huyện chỉ đạo các ban ngành đoàn thể thực hiện tổng vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, không để nước ứ đọng tạo điều kiện cho muỗi phát sinh.
Trung tâm y tế dự phòng quận-huyện phối hợp với các tổ chống dịch ở phường-xã có kế hoạch cụ thể giám sát chặt chẽ mật độ muỗi, chú ý phát hiện sớm ở những khu vực gần các kênh, rạch, ao tù nước đọng. Đồng thời xác định rõ mô hình gây bệnh SXH tại từng khu vực, nguyên nhân nào mà muỗi gây SXH vẫn còn tồn tại…
Cũng trong ngày 18/02, Sở Y tế đã lên kế hoạch kiểm tra công tác phòng chống dịch SXH tại các quận – huyện. Mục tiêu của kế hoạch là rà soát lại công tác chống dịch tại các địa phương, đánh giá nguyên nhân tồn tại những ổ dịch nhỏ và rút kinh nghiệm phù hợp cho từng địa phương.